Công cuộc ngăn chặn sự tràn lan của túi nhựa/ny lon đã khiến một nhóm các doanh nhân tìm kiếm giải pháp thay thế thân thiện với môi trường. Từ các dụng cụ ăn uống bổ dưỡng có thể ăn được cho đến túi giấy làm thủ công, những bộ óc tiên tiến này đang nắm vai trò tiên phong cho một tương lai bền vững hơn.
Đứng đầu nhóm này là một anh chàng 25 tuổi đến từ Mangalore, người đã tìm ra giải pháp thay thế cho những chiếc túi nhựa đang tràn ngập khắp nơi. "Trông nó giống y hệt một cái túi nhựa, nhưng chỉ đúng điểm đó mà thôi", Ashwath Hegde – người sáng lập EnviGreen Biotech vào tháng 8 năm ngoái, cho biết. Những chiếc túi này được làm từ tinh bột tự nhiên và chế phẩm có nguồn gốc thực vật, nó hoàn toàn có thể phân hủy.
Để thể hiện các ưu điểm của sản phẩm, Hegde nhúng nó vào nước ấm và chiếc túi bắt đầu tan ra – trái ngược hẳn với các loại túi nhựa vì chúng có chứa phụ gia hóa học.
Túi nhựa, chào nhé!
Cùng với việc sản xuất, mua bán và sử dụng túi nhựa bị cấm ở một số bang mà chưa có giải pháp thay thế hiệu quả, sự áp đặt này có vẻ chưa đúng lúc.
"Khi Thành phố Mangalore thực hiện lệnh cấm tương tự vào năm 2012, tôi cho đó là một cơ hội để tập trung tìm ra giải pháp thân thiện với môi trường cho túi nhựa", Hegde kể lại. "Rốt cuộc, sản phẩm chúng tôi có ở đây là đỉnh điểm của 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm do một nhóm các nhà khoa học và môi trường ở khắp nơi trên thế giới thực hiện".
Những chiếc túi "trông như túi nhựa" của EnviGreen Biotech hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ, có thể tái chế - và thậm chí còn ăn được đối với động vật.
Theo Hegde, nhu cầu đối với việc đóng gói nhựa sinh học được cho là sẽ đạt đến 884.000 tấn vào năm 2020 trên toàn cầu. Mặc dù có chi phí đắt hơn so với túi nhựa, nhưng sản phẩm của EnviGreen Biotech không chỉ bền và thân thiện với môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho những người lao động luôn làm việc chăm chỉ và chống lại nghịch cảnh.
"Chúng tôi hợp tác với nông dân ở Karnataka, mua rau quả bỏ đi và các nguyên liệu thô khác từ họ. Ngoài đem lại thu nhập cho họ, làm như vậy còn giúp giảm chi phí và khiến sản phẩm tiếp cận được nhiều người hơn", Hegde cho biết.
Sau khi có chứng nhận bởi rất nhiều cơ quan chính phủ, những chiếc túi của EnviGreen Biotech đã được chấp thuận cho sử dụng trên thị trường. "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi lấy giấy chứng nhận từ các cơ quan có thẩm quyền", Hegde nói thêm. "Việc quản lý tài chính cũng không hề dễ dàng, vì chúng tôi không được cấp vốn và hoàn toàn tự thân vận động".
Mặc dù khi còn nhỏ Hegde từng muốn trở thành luật sư, nhưng giờ anh đang mơ về một nước Ấn Độ trong tương lai không có túi nhựa. "Ngoài túi đựng đồ, chúng tôi cũng bắt đầu sản xuất các loại túi rác tái chế, túi trơn và màng đóng gói, và nhiều loại sản phẩm khác nữa trong thời gian sắp tới", anh nói.