Hầu hết, chúng ta thường lưu trữ đồ tươi sống khi mới mua về vào trong tủ lạnh để bảo quản. Tuy nhiên, liệu bạn có chắc mình đã thực sự bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách chưa? Tủ lạnh là nơi mà các gia đình thường cất giữ cả đống loại thực phẩm từ tươi sống lẫn đã qua chế biến. Đó là lý do vì sao mà tủ lạnh lại là nơi dễ tích tụ "mầm mống gây bệnh" ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu về dài. Hãy cùng tìm hiểu những sai lầm khi dùng tủ lạnh mà gia đình nào cũng thường mắc phải nhất để sửa đổi ngay từ bây giờ bạn nhé!
Khi tủ lạnh nhà bạn đã có quá nhiều thứ mà bạn không thể nhồi nhét thêm được gì vào nữa thì hãy nghĩ ngay đến chuyện dọn dẹp tủ lạnh. Trước khi đi chợ hay vào siêu thị mua sắm thì nên dành thời gian mở tủ lạnh ra và dọn hết những thứ không còn sử dụng được nữa. Có thể là chai tương ớt sắp hết hạn hay bát canh thừa để tận mấy ngày trong tủ... là những thứ bạn cần lấy ra khỏi tủ lạnh ngay. Các cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm khuyên bạn nên hình thành thói quen kiểm tra đồ ăn trong tủ lạnh hoặc tủ đá trước khi đi chợ để tránh lãng phí thực phẩm cũng như tiền của.
Đầu bếp Ludwig Maurer (người Đức) chia sẻ rằng, khi biết đặt đúng chỗ thực phẩm cần lưu trữ trong tủ lạnh thì có thể kéo dài thời gian sử dụng lên gấp ba lần. Vấn đề là hầu như mọi người không biết sắp xếp những loại thực phẩm nào ở đâu mà cứ cất tất cả mọi thứ vào trong tủ lạnh. Tuy nhiên, thay vì nhồi nhét thực phẩm vào bất cứ nơi nào thì điều quan trọng trước tiên là sắp xếp tủ lạnh của bạn trước đã.
Ví dụ thì trứng nên đặt ở ngăn giữa (vì khoang này có nhiệt độ ổn định hơn), bơ và phô mai mềm thì có thể đặt vào cánh cửa tủ lạnh (vì đây không phải loại thực phẩm cần giữ lạnh nhất). Tương tự thì cá, thịt, rau lá nên đặt ở phía dưới tủ, còn trái cây tươi và các loại rau nên được bảo quản ở ngăn trên đầu.
Hãy thường xuyên vệ sinh tủ lạnh vì đây là điều quan trọng để giữ cho các ngăn, kệ tủ lạnh được sạch sẽ, giảm bớt mùi hôi thối từ các loại thực phẩm trong tủ. Chúng ta nên dọn dẹp tủ lạnh mỗi tuần một lần và vệ sinh kỹ tủ lạnh mỗi tháng một lần. Điều này sẽ giữ cho tủ lạnh không còn tích tụ bất kỳ con vi khuẩn nào mà còn kéo dài thời gian sử dụng của các loại thực phẩm nữa.
Các loại thức ăn thừa hay những gói snack ăn dở được bóc ra và lại cất vào trong tủ lạnh mà không bọc kín sẽ vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn có khả năng gây ô nhiễm và lên mùi thực phẩm. Nhiều cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm cũng khuyên bạn hãy nhớ đậy kín đồ ăn thừa trong hộp hoặc dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản kín lại trước khi cho chúng vào trong tủ lạnh.
Thông thường, việc mở tủ lạnh ra quá nhiều cũng làm cho nhiệt độ trong tủ lạnh của bạn bị sai. Do đó, thỉnh thoảng nhớ để ý đến màn hình hiển thị nhiệt độ tủ lạnh để chắc chắn giữ được nhiệt độ phù hợp cho việc bảo quản thực phẩm. Nhiệt độ thích hợp trong tủ lạnh sẽ là 3 đến 5 độ C, còn tủ đông cần hiển thị nhiệt từ -18 đến -20 độ C.
Đừng nghĩ là chỉ cần rửa tay sạch trước khi ăn hay chế biến đồ ăn là đủ, bạn có bảo đảm rằng khi mở tủ lạnh ra lấy nguyên liệu để nấu ăn thì những tay nắm cửa tủ lạnh đó có sạch sẽ không? Chưa nói đến ngay sau đó, bạn tiếp tục chạm vào các thực phẩm như thịt sống hoặc cá tươi nên sẽ vô tình để vi khuẩn từ tay xâm nhập vào thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của cả gia đình về lâu về dài. Vậy nên, luôn nhớ rửa tay cả trước và sau khi mở tủ lạnh để giữ vệ sinh khi chế biến thực phẩm bạn nhé.
Điều cuối cùng cần lưu ý là hãy nhớ nơi bảo quản trái cây và rau là ở ngăn trên cùng tủ lạnh. Khoang này trong tủ lạnh sẽ đảm bảo độ tươi mới cho những loại trái cây và rau lá không bị va đập thực phẩm cũng như làm chúng chín và héo nhanh hơn.
Nguồn: Goodhousekeeping