Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2024 đã cảnh báo rằng miếng bọt biển làm từ melamine dùng để rửa bát, lau dọn nhà cửa trên toàn thế giới thải ra hàng nghìn tỷ hạt vi nhựa mỗi tháng.
Những miếng bọt biển này được biết đến với khả năng loại bỏ dễ dàng ngay cả những vết bẩn cứng đầu, nhờ vào tính chất mài mòn đặc biệt của chúng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường ước tính rằng các sợi từ các sản phẩm tẩy rửa này thải ra hàng nghìn tỷ hạt vi nhựa độc hại trên toàn cầu mỗi tháng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ảnh: The Guardian
Những miếng bọt biển này được làm từ polyme nhựa ghép lại thành bọt mài mòn mềm, nhẹ, rất lý tưởng để tạo ra các sản phẩm làm sạch có tính cọ rửa.
Nhưng khi sử dụng, lớp bọt này sẽ bị mòn thành những mảnh nhỏ hơn, giải phóng các sợi vi nhựa (MPF) sau mỗi lần rửa và có thể bám lại trên những chiếc bát đĩa, thìa dĩa, nồi xoong... mà chúng ta luôn nghĩ rằng đã được rửa sạch.
Hạt vi nhựa được chứng minh là có liên quan đến một số biến chứng sức khỏe ở người, bao gồm rối loạn hệ thống miễn dịch và nội tiết, cũng như một số loại ung thư. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, vi nhựa còn có thể xâm nhập lên não. Não của một người trung bình có thể chứa một thìa vi nhựa, khoảng 7g, và nó là tác nhân gây ra chứng mất trí nhớ ở ngay cả người trẻ cùng nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tốc độ phân hủy của bọt melamine và tính toán số lượng sợi vi nhựa mà nó thải ra khi sử dụng.
Họ cọ xát nhiều lần miếng bọt biển do nhiều thương hiệu khác nhau tạo ra vào bề mặt kim loại có kết cấu, khiến chúng bị mài mòn.
Nghiên cứu cho thấy chỉ một miếng bọt biển duy nhất có thể giải phóng tới hơn 6,5 triệu sợi trên mỗi gam bọt biển được sử dụng.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc sử dụng bọt biển có thể giải phóng 6,5 triệu MPF/g, điều này có thể cho thấy tổng lượng phát thải toàn cầu là 4,9 nghìn tỷ MPF do tiêu thụ bọt biển".
Bọt biển làm từ bọt xốp dày hơn sẽ mòn chậm hơn và tạo ra ít sợi vi nhựa hơn.
Họ tính toán rằng có tới 1,55 nghìn tỷ sợi vi nhựa từ miếng bọt biển melamin có thể được thải ra mỗi tháng.
Các nhà khoa học cho biết thêm: "Tốc độ và khả năng sản xuất MPF nhìn chung tăng lên khi độ nhám của bề mặt kim loại và mật độ của kết cấu bọt tăng lên".
Các nhà khoa học cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Để khắc phục tình trạng độc hại đối với môi trường và cơ thể do những sản phẩm này gây ra, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng chúng ta nên ưu tiên lựa chọn những miếng bọt biển dày hơn và cứng hơn, có khả năng chống mài mòn tốt hơn.
Tốt nhất nên lựa chọn các sản phẩm làm sạch tự nhiên không sử dụng nhựa.
Nguồn: Independent