Phòng ngừa cúm A: Cúm A có gì khác với cúm thông thường? Nhóm người nào dễ biến chứng nặng khi mắc bệnh?

Đậu Đậu, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 10:45 07/02/2025
Chia sẻ

Cúm A có nhiều triệu chứng giống với cúm thông thường, nhưng bệnh thường diễn biến nặng hơn.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, hiện là thời điểm các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có bệnh cúm A.

Cúm A là một bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp tính do virus cúm A gây ra. Loại virus này thuộc họ Orthomyxoviridae, liên tục biến đổi và phát triển thành nhiều chủng khác nhau. Trong số này, những chủng virus nguy hiểm nhất gồm:

- Cúm A/H1N1, A/H3N2: Là những chủng gây bệnh cúm mùa ở người.

- Cúm A/H5N1, A/H7N9: Thường lây lan ở gia cầm nhưng có khả năng truyền sang người và dẫn đến nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng.

phan-biet-cum-a-va-covid-1.jpg

Virus cúm A liên tục biến đổi, khiến hệ miễn dịch khó nhận diện và chống lại. Môi trường dễ lây lan nhất là trong mùa đông - xuân, khi thời tiết ẩm ướt tạo điều kiện cho virus sinh sống. Tính chất lây truyền cao, virus cúm A có thể lây lan qua giọt bắn hô hấp khi ho, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus rồi chạm tay lên mũi, miệng, mắt.

Cúm A có gì khác với cúm thông thường?

Cúm A có nhiều triệu chứng giống với cúm thông thường, nhưng bệnh thường diễn biến nặng hơn.

Dấu hiệu cúm A thường bao gồm:

- Sốt cao (trên 38°C), đôi khi sốt lên tới 40°C.

- Ho khan, đau họng, ngạt mũi, sổ mũi.

- Đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, đau khớp.

- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy (đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ).

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa cúm A và cúm thường là cúm A dễ gây biến chứng nghiêm trọng hơn, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Những đối tượng có nguy cơ biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm A

20210507_cum-a-nguy-hiem-hon-cac-loai-cum-thuong.jpg

Th.S.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.

Bác sĩ cho biết, hiện nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Nhóm người nên thận trọng với bệnh cúm bao gồm:

- Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.

- Người trên 65 tuổi.

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.

- Người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch.

- Người thường xuyên tiếp xúc với môi trường đông người (giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng, công nhân nhà máy).

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày