RNG 2018, GAM 2019 và bài học về sự "ảo tưởng" sức mạnh, khinh địch!

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 23:30 20/10/2019

Tương tự thất bại gây sốc của RNG trước G2 Esports năm 2018, GAM năm 2019 tiếp tục đi vào bước xe đổ bởi sự chủ quan và "ảo tưởng" sức mạnh.

GAM đã kết thúc hành trình ở CKTG 2019 bằng thất bại không thể thảm hại hơn. Dù đội nhận được sự kỳ vọng của người hâm mộ lớn nhất từ trước nay với những sự bổ sung tuyển thủ đáng giá, GAM lại thể hiện một bộ mặt bạc nhược và chỉ có duy nhất một trận thắng trước J Team (Đài Loan).

Sau thất bại, hình ảnh từ đoạn video quay lại khoảnh khắc của GAM khi biết tin cùng bảng với đại diện số 3 Châu Âu, Splyce được nhắc tới khá nhiều. Có lẽ chính sự tự cao, có phần tỏ ra là "bề trên" của GAM đã dẫn tới thất bại vô cùng thảm hại và thất vọng này.

Thất bại gây sốc từ sự khinh địch của RNG tại CKTG 2018

Đến CKTG 2018 với tư cách là đương kim vô địch LPL và MSI, Uzi và các đồng đội nhận được sự kỳ vọng rất cao. Thực tế cho thấy RNG có màn thể hiện tốt, kết thúc vòng bảng với thành tích 5-2 và đi tiếp với tư cách đội đầu bảng B.

Tại lễ bốc thăm sau đó, ai cũng nghĩ con đường tới chức vô địch của Uzi sẽ càng rộng mở khi chỉ gặp G2 Esports - đội cùng bảng với PVB và giành vé đi tiếp có phần khá may mắn.

RNG 2018, GAM 2019 và bài học về sự ảo tưởng sức mạnh, khinh địch! - Ảnh 1.

Xạ thủ số 1 thế giới thảm bại trước đội tuyển có người chơi xạ thủ được đánh giá chỉ biết chơi tướng pháp sư. Ảnh: VPEsports.

Cơn địa chấn đã thật sự xảy ra tại Busan, Hàn Quốc. RNG thất bại tủi hổ trước đối thủ từ châu Âu với tỷ số 3-2 sau loạt BO5 tại trận Tứ kết. Với tư cách là nhà vô địch của Trung Quốc, thất bại này quá khó để nuốt trôi.

Thậm chí, cộng đồng mạng tại Trung Quốc sau trận đấu đã dấy lên tin đồn đội tuyển của Uzi cố tình thua do bán độ. Vụ việc trên căng thẳng đến mức chính nhà phát hành Tencent và đại diện của Royal Never Give Up đã phải lên tiếng. Tencent đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc này, còn đại diện của RNG khẳng định sẽ khởi kiện nếu những tin đồn thất thiệt nói trên vẫn tiếp diễn.

Vụ việc sau đó tiếp tục được thổi bùng lên lại khi cộng đồng LMHT Trung Quốc tìm ra được đoạn clip các thành viên của RNG đã vui mừng thế nào khi lá thăm đưa họ gặp đội tuyển G2.

Thái độ khinh địch rõ ràng của các tuyển thủ RNG khi biết mình sẽ gặp G2 Esports tại Tứ kết.

Trong video, Uzi và các đồng đội đã thể hiện sự tự tin chắc chắn 100% sẽ dành chiến thắng khi gặp phải lá thăm mang tên G2 Esports. Các tuyển thủ RNG cười sảng khoái và liên tục hét lên "G2 kìa! G2 kìa!". Sự khinh địch của RNG có lẽ là nguyên nhân khiến G2 Esports tạo nên một trong những cú sốc lớn nhất ở CKTG.

GAM 2019 tiếp tục bước vào vết xe đổ của RNG

Tấm hình GAM Esport vui mừng khi Bang bốc Splyce trúng bảng B của GAM được đăng tải liên tục trên cộng đồng LMHT Việt Nam. Rõ ràng, sự chủ quan đã lộ ra ở tất cả thành viên của GAM Esports, từ ban huấn luyện cho đến các tuyển thủ khi gặp đội vượt qua vòng khởi động khó khăn nhất.

GAM Reaction bốc thăm CKTG: Tí tởn.

Trước đó không lâu, chính Tinikun là người nhận xét đội hình Zeros - Levi - Kiaya - Zin - Slay mạnh hơn đội hình Zeros - Levi - Kiaya - Zin - Hieu3.

Nhưng ngay ở trận đầu ra quân, GAM lại để Hieu3 thi đấu chính và chọn một đội hình khó để triển khai với toàn những vị tướng sát thủ cần sự di chuyển nhịp nhàng. Kết quả sau đó không bất ngờ, Splyce có một trận thắng hoàn toàn xứng đáng bằng sự tập trung tuyệt đối trước sự bất lực của nhà vô địch VCS.

Nhìn lại SKT T1 hay các đội tuyển khác, dù cho có đánh vòng bảng hay Tứ kết, họ luôn tung đội hình mạnh nhất, không bao giờ "diễn trò" trong game. Điều tất yếu, họ luôn có thành tích tốt ở những giải đấu thế giới.

RNG 2018, GAM 2019 và bài học về sự ảo tưởng sức mạnh, khinh địch! - Ảnh 4.

GAM thất bại toàn diện trước những đối thủ không quá mạnh. Ảnh: Riot Games.

Hơn nữa, những dòng trạng thái "cà khịa" không cần thiết của trợ lý HLV Tinikun dường như đã tạo nên một tâm lý khinh địch không nhỏ. Điều này vô tình làm mất đi sự khiêm tốn cần thiết của những chàng trai trẻ. "Zeros hay hơn Khan" hay "không ai có tuổi với Levi" đều không thay đổi kết quả là GAM thảm bại tại CKTG 2019 với tỉ số 1-5.

Đừng mơ mộng nữa, hãy tỉnh giấc đi GAM

VCS sau những thành công đáng ghi nhận ở các giải đấu quốc tế 2017-2018 đã được trở thành một khu vực chính của hệ thống thi đấu LMHT. Tuy nhiên, những thành công nhỏ trên đã khiến cho không ít người ảo tưởng về sức mạnh cũng như vị trí của VCS trong nền LMHT thế giới.

Một cách khách quan, VCS là khu vực có thành tích kém nhất trong số các khu vực lớn tại tất cả các giải đấu quốc tế. Thậm chí, Việt Nam còn không phải là khu vực thuộc Wild Card cũ có thành tích tốt nhất.

RNG 2018, GAM 2019 và bài học về sự ảo tưởng sức mạnh, khinh địch! - Ảnh 5.

Thất bại ở CKTG 2019 là một bài học cần thiết để khu vực VCS biết mình đang ở đâu. Ảnh: Riot Games.

Tính đến nay, VCS chưa hề có đại diện qua được vòng bảng các giải đấu quốc tế. Năm 2012, SAJ có duy nhất một chiến thắng. Sau đó, là thảm họa 0-7 của chính họ ở vòng loại WildCard 2016. Năm 2017, dù thi đấu ấn tượng chúng ta đứng cuối vòng bảng MSI với chỉ 3 ván thắng, bị loại ở vòng bảng CKTG dù có khởi đầu tốt.

Từ trước đến nay, người hâm mộ vẫn luôn tự tin cho rằng kỹ năng cá nhân của các đội VCS hoàn toàn không thua kém quá nhiều. Tuy nhiên, thực tế thì kỹ năng đi đường chỉ là điều đơn giản của các game thủ đẳng cấp thế giới.

Khoảng cách trình độ thật sự của các đội tuyển nằm ở cách họ đánh giao tranh và kiểm soát trận đấu. Đây là điểm yếu cố hữu mà bao năm qua, khu vực VCS luôn tỏ ra thua sút so với tất cả các khu vực khác, kể cả khu vực LMS sắp giải tán. Việc kiểm soát trận đấu và có cách tiếp cận hợp lý tại các hoàn cảnh khác nhau là điều tạo nên kỹ năng, trình độ của game thủ chứ không phải vài pha xử lý nhất định.

Dù VCS có nhiều tiến bộ dễ thấy nhưng đáng tiếc các đối thủ lại tiến bộ nhanh hơn hoặc khoảng cách bắt kịp họ rất xa. LEC đã tiến xa từ thành công của G2 Esports và Fnatic năm ngoái với những sự phá cách riêng. LPL và LCK vẫn ở đó với cách biệt trình độ thể hiện rõ qua ván thắng của FPX trước GAM hay SKT với PVB hồi MSI 2018.

Nói một cách công bằng thì PVB và GAM đã cố gắng hết sức của mình trong các giải đấu. VCS vẫn có một thứ gì đó rất riêng và hoang dã như nhận định của các BLV nước ngoài. 

Có lẽ, đã đến lúc khán giả nước nhà nên thôi áp đặt sự "ảo tưởng" về sức mạnh của đại diện VCS. Một vài thành tựu không thể xóa nhòa đi thực tế là vẫn còn khoảng cách rất lớn về trình độ của chúng ta với phần còn lại của thế giới.

RNG 2018, GAM 2019 và bài học về sự ảo tưởng sức mạnh, khinh địch! - Ảnh 7.