Nỗi đau ám ảnh nữ sinh Hà Nội mất bố vì rượu độc chứa methanol

Lê Ái - Định Nguyễn, Theo Thời Đại 00:02 22/03/2017

"Bố và mẹ mình ly hôn đã lâu. Mình sống cùng bà nội và bố. Giờ bố mất rồi, mỗi bữa cơm vắng đi một người, lễ Tết ít đi một người, căn nhà cũng vì thế mà quạnh hiu hơn", N. nói trong nước mắt.

"7 sinh viên cùng vào viện cấp cứu do ngộ độc rượu methanol", "12 sinh viên nhập viện vì ngộ độc rượu ngày 8/3", "Thêm người nhập viện vì ngộ độc rượu sau khi liên hoan"... chưa bao giờ, vấn đề rượu giả, rượu kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người trở nên nhức nhối đến thế.

Cũng như tất cả mọi người, N.H.T.N (sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, sống tại Hà Nội) rùng mình khi đọc những tin tức đó, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ bi kịch ấy lại xảy đến với người thân và gia đình mình một cách bất ngờ đến vậy.

Ngồi bên quan tài của bố, N. thẫn thờ nhớ lại: "Chiều 12/3, bố mình (ông Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1970 - PV) ngồi uống rượu lai rai với mấy ông bạn trong khu phố. Tối về, bố mình nằm trên giường, bỏ ăn, vật vã cả đêm và chửi rủa trong vô thức. Ai gọi cũng không nghe, không trả lời. 5 ngày sau buổi rượu ấy, bố mình qua đời. Nguyên nhân cái chết được bác sĩ xác định do uống rượu giả có chứa methanol. Sự ra đi của bố khiến mình ám ảnh...".

Một cốc rượu giá vài nghìn, lọc máu 20 triệu đồng/lần

"Đến thời điểm này mình sợ nhất là uống nước. Cứ có nước vào người là mình lại khóc. Mình mong không ai rơi vào hoàn cảnh như gia đình mình. Người chết thì thôi nào biết đến người sống ra sao nữa đâu. Hãy nghĩ đến những người yêu thương", N. viết lên facebook những dòng đau thương sau cái chết đột ngột của người bố vừa bước qua tuổi 47.

Nỗi đau ám ảnh nữ sinh Hà Nội mất bố vì rượu độc chứa methanol - Ảnh 1.

Ông Long trong quá trình lọc máu sau khi nhập viện vì ngộ độc rượu.

N., một nữ sinh còn rất trẻ, lựa chọn cách kể về nỗi đau của gia đình để cảnh tỉnh những ai đang nốc rượu một cách vô tội vạ và cả người bán rượu thiếu lương tâm.

Sáng 13/3, ông Long (bố N.) được người nhà đưa vào bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ methanol trong người ông Long là 160, trong khi, nồng độ methanol 20 là nhiễm độc, 40 là nhiễm độc cực nặng và khoảng 45 là khả năng tử vong cực cao.

"Mình không hiểu những người pha rượu giả có biết về tác hại của methanol không nữa?", N. oán trách.

Chữa trị nhiễm độc methanol không phải là không thể nhưng cái giá phải trả là một vấn đề với nhiều gia đình. Cụ thể là chi phí lọc máu. Nữ sinh kể: "Sau 3 ngày lọc máu liên tục, bố mình đã âm tính với methanol và đang tiếp tục điều trị. Một lần lọc máu kéo dài khoảng 10 -12 tiếng. Cần 3 quả lọc. Mỗi quả lọc trị giá 20 triệu đồng. Chưa tính tiền hóa chất, 1 lần hóa chất khoảng 2 triệu đồng. Có người lọc liên tục 5 ngày vẫn chưa hết. Các bạn thử nhân lên, cứ lọc liên tục vài ngày như vậy thì chi phí đã là bao nhiêu?".

Tốn kém là thế nhưng ông Long vẫn không qua khỏi. Ngày 17/3, ông qua đời để lại niềm tiếc thương cho người thân.

Nỗi đau ám ảnh nữ sinh Hà Nội mất bố vì rượu độc chứa methanol - Ảnh 2.

Gia đình thông báo tin buồn sau 5 ngày chạy chữa tích cực cho người thân do uống phải rượu độc

Bố N. làm việc cho một công ty may trong thành phố. Ông không phải là người nghiện rượu nhưng có thói quen trước khi ăn cơm cùng gia đình hay làm vài cốc rượu bên ngoài xã giao với bạn bè. Hôm uống phải rượu độc, ông bỏ cơm.

"Bố và mẹ mình ly hôn đã lâu. Mình sống cùng bà nội và bố. Giờ bố mất rồi, mỗi bữa cơm vắng đi một người, lễ Tết ít đi một người, căn nhà cũng vì thế mà quạnh hiu hơn", N. nói trong nước mắt.

Liên quan đến sự việc trên, chiều 21/3, trao đổi với chúng tôi, phòng công tác xã hội Bệnh viện Thanh Nhàn xác nhận có tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Hoàng Long (SN 1970, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập viện vì ngộ độc rượu methanol. Bệnh nhân này có nồng độ methanol hơn 160, thuộc dạng rất cao. Ngay sau khi nhập viện các bác sĩ tích cực lọc máu, cứu chữa tuy nhiên do ngộ độc nặng nên bệnh nhân này tử vong sau 4-5 ngày điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu.

Vì sao uống rượu có chứa methanol lại tử vong?

Giải đáp câu hỏi này, Đào Thị Yến Thủy (Bác sĩ chuyên khoa 1, nguyên bác sĩ tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết:

Methanol có công thức hóa học là CH3OH, còn gọi là Methyl Alcohol là một loại dung môi thường dùng trong công nghiệp để sản xuất sơn và nhựa, công nghiệp cao su, dung môi ngành mực in, dung dịch tẩy rửa, keo dán, chất chống đông lạnh, ngành dược, sản xuất dầu diesel sinh học, dùng trong phòng thí nghiệm, khử nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, sản xuất formalin, anđehit formic và axit axetic... Đây là rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy có mùi đặc trưng.

Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và là chất lỏng đầu tiên ngưng tụ khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Tuy nhiên, không giống rượu ethanol là loại rượu uống được, methanol có độc tính cao và không thích hợp để uống.

Rượu ethanol khi uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất không độc thông qua hoạt động của gan và thải ra ngoài qua thận, còn methanol rất độc đối với con người vì cơ thể chuyển hóa methanol thành formaldehyde và tiếp đến là formic axit sẽ tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận khác như thận và gan.

Nỗi đau ám ảnh nữ sinh Hà Nội mất bố vì rượu độc chứa methanol - Ảnh 3.

Đừng vì một cốc rượu mà bỏ lại người thân.

Chỉ cần trộn 10ml methanol vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Uống 30ml (1 ngụm) methanol có thể gây chết người.

Cũng theo bác sĩ Thủy, người uống phải rượu có chứa nồng độ methanol cao sẽ nhanh chóng bị hôn mê. Lúc này, người nhà cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Việc chủ động gây nôn cho bệnh nhân sẽ không có hiệu quả cao vì methanol được hấp thu rất nhanh và dễ dàng vào máu.

"Do có người tìm ra cách pha trộn methanol (giá rẻ) với nước lã, pha chế ra "rượu" để bán nên thời gian gần đây có nhiều vụ ngộ độc rượu nguy hại đến tính mạng. Vì thế, để tránh gặp rủi ro, bạn nên hạn chế uống bia rượu tối đa. Nếu uống mua bia rượu thì phải có nhãn mác bao bì do công ty sản xuất uy tín. Hiện, tình trạng bia rượu giả cũng rất nhiều, khó kiểm soát. Mua dạng lon ít bị giả hơn là chai. Tuyệt đối không nên mua rượu đựng trong túi nylon, chai thủy tinh, chai nhựa... không nhãn mác", bác sĩ khuyên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày