Những điều mà "hội cú đêm" cần thuộc nằm lòng

Đoan Trang, Theo Trí Thức Trẻ 22:31 08/06/2017
Chia sẻ

Sửa ngay thói quen thức khuya để bảo vệ sức khỏe tốt hơn bạn nhé.

Lập thời gian biểu đi ngủ

Nếu muốn đi ngủ sớm thì bạn nên lập thời gian ngủ hẳn hoi. Sớm là mấy giờ? Không thể dùng từ sớm chung chung, bởi nếu không có giờ giấc cụ thể thì khả năng bạn sử dụng "giờ dây thun" là rất cao. Do đó, bạn nên vạch ra sẵn là 10h hay 11h đi ngủ rồi viết thật to ra giấy và dán ngay những nơi dễ đập vào mắt nhất. Cách tuy đơn giản nhưng cũng sẽ góp phần nhắc nhở bạn nên ngủ đúng giờ hơn đấy.

Những điều mà hội cú đêm cần thuộc nằm lòng - Ảnh 1.

Đặt báo thức nhắc đi ngủ

Nghe có vẻ ngược đời nhưng đây cũng là 1 cách hiệu quả. Khi bạn lo mãi mê với facebook hay một tập phim hay thì bạn không nhận thức được thời gian đang trôi nhanh như thế nào đâu. Do đó, hãy cài sẵn báo thức, khi báo thức reo thì bạn biết rằng đã đến giờ nên đi ngủ. Lúc này thì cần phải cất điện thoại và leo lên giường ngủ ngay.

Nghĩ đến tác hại của thức khuya    

Đây là một mẹo khá hay giúp bạn có thêm động lực đi ngủ sớm hơn. Trước tiên, bạn nên tìm đọc các bài viết về tác hại thức khuya. Sau đó, mỗi lần đang giằng co giữa việc nên đi ngủ hay xem phim, lướt mạng… thì bạn hãy nghĩ ngay đến các tác hại đáng sợ này, thức khuya giảm trí nhớ, thức khuya gây già, thức khuya gây đột quỵ... Lúc này, quyết tâm đi ngủ sớm sẽ được củng cố thêm mấy phần đấy. Đặc biệt, hãy in luôn bài báo về tác hại thức khuya và dán nơi dễ thấy nhất cũng giúp bạn sợ mà lo đi ngủ sớm hơn.

Những điều mà hội cú đêm cần thuộc nằm lòng - Ảnh 2.

Tránh xa các thiết bị điện tử

Thiết bị điện tử có lẽ là vật cản lớn nhất trước quyết tâm ngủ sớm của bạn. Tốt hơn hết, bạn đừng mang các thiết bị điện tử lên giường đặc biệt là điện thoại. Với thói quen dạo mạng đêm khuya, nếu mang điện thoại lên giường, cho dù bạn quyết tâm thế nào thì trước sau gì cũng cầm điện thoại lên với ý định chỉ xem một chút. Thế nhưng một chút của bạn có thể kéo dài thêm 1 giờ, 2 giờ có khi là 3 giờ nữa mà chưa đi ngủ. Do đó, muốn đi ngủ sớm thì phải quyết tâm xa rời các thiết bị điện tử ngay. Tốt nhất là nên đặt càng xa giường ngủ càng tốt hoặc bạn tắt hẳn thiết bị wifi đi sẽ hiệu quả hơn đấy.

Thay đổi từ từ, không nên đột ngột

Đối với những cú đêm nếu phải đi ngủ sớm đột ngột thì thường nằm mãi chẳng ngủ được. Bởi đồng hồ sinh học của bạn theo thói quen đã định sẵn giờ ngủ, nếu bạn lên giường quá sớm thì mất ngủ là chuyện hiển nhiên xảy ra. Những ngày đầu tập ngủ sớm mà gặp tình trạng mất ngủ thế này thì bạn sẽ nản ngay và nghĩ rằng mình chẳng bao giờ thay đổi được thói quen thức khuya.

Tuy nhiên, thay vì thay đổi giờ ngủ đột ngột thì bạn chỉ nên đi ngủ sớm hơn mọi ngày 15 - 30 phút, sau vài ngày thì giảm thêm 15 – 30 phút nữa. Mỗi ngày cứ ngủ sớm hơn 1 chút cho đến khung giờ bạn đặt ra thì duy trì đều đặn. Chỉ trong khoảng 1 tuần, nhịp sinh học sẽ quen dần và đến giờ thì tự động bạn sẽ thấy buồn ngủ ngay.

Những điều mà hội cú đêm cần thuộc nằm lòng - Ảnh 3.

Cảm nhận về cơ thể sau 1 đêm ngủ sớm

Sau một đêm ngủ sớm và thức dậy thì bạn nên tự cảm nhận cơ thể mình thay đổi thế nào. Đầu óc tỉnh táo hơn, sảng khoái hơn, cơ thể tràn đầy năng lượng hơn… Và so sánh với trước kia lúc còn ngủ muộn, sáng dậy đau đầu, khó chịu, đầu óc lơ mơ, buồn ngủ, không tập trung… Khi nhận ra được sự khác biệt này thì quyết tâm ngủ sớm sẽ càng mạnh hơn nữa đấy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày