Người phụ nữ họ Wu cho biết anh trai cô đã mang một ít đồ ăn nhẹ về nhà ở Tứ Xuyên trong dịp nghỉ tết Nguyên đán. Vụ việc xảy ra khi cô Wu đang xem tivi trong phòng khách không bật đèn. Vì cảm thấy buồn miệng, cô với lấy gói kẹo, không ngờ rằng mình đã lấy nhầm phong pháo nổ.
Vì hình dáng quả pháo trông giống món kẹo sữa khoai môn, loại kẹo mà anh em cô từng ăn khi còn nhỏ, người phụ nữ chẳng mảy may nghi ngờ cho đến khi cô cắn vào quả pháo, khiến nó phát nổ.
"Lúc đầu, tôi không đau đớn gì nhưng cảm thấy rõ mùi thuốc pháo trong miệng", cô chia sẻ. Sau đó, cô thấy miệng bị tê, bên trong có vết xước. May mắn, cô vẫn có thể ăn uống và đánh răng.
Sau khi ăn nhầm pháo cô thấy miệng bị tê, bên trong có vết xước. Ảnh: MSN.
Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều dùng mạng. Nhiều người đồng tình với cô Wu rằng pháo loại này dễ bị nhầm lẫn với kẹo.
Một trong số các bình luận nhận xét: "Nếu là tôi thì tôi cũng nghĩ đây là kẹo và ăn nó mà không nghi ngờ gì".
Thực tế trường hợp pháo nổ bị nhầm thành kẹo không phải hi hữu. Năm 2021, cô Lisa Boothroyd (khi đó 48 tuổi) đến một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Rugby, hạt Warwickshire (Anh) để mua một ít vật dụng. Nhìn lên gian hàng bán bánh kẹo và đồ ăn nhẹ, cô Lisa lấy một chiếc hộp kẹo nhỏ, theo Daily Star.
Chiếc hộp nhỏ thực chất là Fun Snaps, một loại pháo nổ đồ chơi dành cho trẻ con. Những viên pháo nhỏ sẽ phát nổ khi giẫm lên, đập xuống bề mặt cứng hoặc có bất kỳ ma sát nào đủ mạnh. Mỗi viên pháo có kích thước rất nhỏ, chỉ đủ gây ra tiếng nổ vui tai chứ không đủ sức sát thương, ngay cả khi cho nổ trên lòng bàn tay.
Hình dáng quả pháo trông giống món kẹo sữa khoai môn. Ảnh: MSN.
Tuy nhiên, bao bì bên ngoài của pháo nổ lại rất giống kẹo nổ. Chính điều này đã khiến cô bị nhầm lẫn. Khi trở về nhà, cô Lisa đã cho một nắm vào miệng và nhai. Pháo đã nổ ngay trong miệng cô
"Tôi cảm nhận được tiếng nổ trong miệng mình, sau đó là cảm giác đau rát", cô Lisa kể lại. Cô lập tức nhổ bỏ pháo trong miệng và gọi điện cho cơ quan y tế.
Cô được khuyên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ phát hiện cô bị nứt một chiếc răng, bỏng hóa chất ở một số nơi trong miệng và đã kê thuốc giảm đau mạnh.
"Pháo Fun Snaps nhìn rất giống với các loại kẹo nổ và bao bì cũng rất giống nên dễ bị nhầm lẫn. Tôi vẫn còn run rẩy và bị sốc vào ngày hôm sau", cô cho biết.
Suốt hơn 1 tuần, cô Lisa không thể ăn uống bình thường mà chỉ ăn được bánh mì mềm với ngũ cốc lỏng. Cơn đau cũng khiến cô bị mất ngủ.
Cô Lisa chia sẻ câu chuyện của mình vì muốn mọi người cảnh giác. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn và chịu hậu quả như cô.