Biến chứng nặng vì tự mua thuốc điều trị cúm

Hà Minh, Theo tienphong.vn 09:02 10/02/2025
Chia sẻ

Thời điểm hiện nay, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có bệnh cúm. Thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lí chủ quan khi cho rằng bệnh nhẹ nên không đi khám. Thậm chí, nhiều người còn có thói quen “tự làm bác sĩ”, mua thuốc về điều trị dẫn đến hậu quả xấu.

Nhiều người mách nhau tự mua thuốc Tamiflu về cho người thân uống khi không may mắc cúm. Có người hướng dẫn rằng, ra hiệu thuốc mua que test cúm, nếu bị mắc cúm A thì chỉ cần mua ngay thuốc Tamiflu về cho uống, sau 1 hôm sẽ cắt sốt. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý điều trị vì đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận trường hợp người phụ nữ nhập viện ngay trong đêm vì biến chứng viêm phổi do mắc cúm A. Thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lí chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm. Khi nhập viện bệnh đã diễn tiến nặng kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Suốt mấy ngày nay, bà P.T.H. (51 tuổi, Hà Nội) ho nhiều, ho có đờm, đau rát họng kèm người gai rét, sốt cao. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng đau rát vùng sau xương ức và khó thở. Nghĩ là cảm cúm thông thường nên bà H. tự ra hiệu thuốc mua thuốc cảm cúm về uống. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm, vẫn sốt cao kèm mệt nhiều, ăn kém nên quyết định nhập viện ngay trong đêm.

Biến chứng nặng vì tự mua thuốc điều trị cúm- Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khám bệnh nhân cúm A.

Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bác sĩ chỉ định thực hiện các kĩ thuật cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán. Trong đó, xét nghiệm cúm A cho kết quả dương tính. Đáng chú ý, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao cho thấy hình ảnh dày thành phế quản hai phổi kèm tổn thương kính mờ, nốt đặc, dày tổ chức kẽ thùy trên phổi trái.

TS. Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Chuyên môn MEDLATEC nhấn mạnh, những người có bệnh nền như hen phế quản, COPD, tiểu đường, bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng cao hơn và cần đặc biệt theo dõi sát sao. Bác sĩ Cương khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu. Đây là loại thuốc cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa”.

Liên tiếp bệnh nhân nặng nhập viện

Trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết bệnh hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lí nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch…

Bệnh nhân nam T.V.L, 78 tuổi, ở Từ Liêm - Hà Nội, được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.

Bên cạnh đó, Trung tâm hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường cho biết người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường thì thường tự khỏi và không phải nhập viện. “Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu mang bệnh nền, bệnh mạn tính hoặc người cao tuổi thì virus sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp và gây ra những biến chứng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao”, TS. Cường cảnh báo.

Tổ chức Y tế thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. Vắc xin cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Việc tiêm phòng vắc xin cúm cần nhắc lại hằng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.

2 dấu hiệu cần nhập viện ngay khi mắc cúm A

"Dù cúm mùa thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng nếu xuất hiện hai dấu hiệu sau, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức: suy hô hấp (thở nhanh, thở nông, khó thở, co kéo cơ hô hấp, tím tái); SpO2 giảm dưới 93% (chỉ số bão hòa ôxy trong máu thấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp)" - TS. Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Chuyên môn MEDLATEC .


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày