Cô Nur Zakiah Jaafar, 34 tuổi ở Singapore phải nhanh chóng đến bệnh viện tái khám vì vết thương nhiễm trùng, nhưng đã dời việc đó lại. Bởi hôm sau con trai cô sẽ làm lễ tốt nghiệp.
"Có lẽ tôi không thể chờ được tới những ngày tốt nghiệp sau này của con. Vì vậy tôi sẽ chống cự mà tham dự buổi lễ ngày mai, chỉ là mẫu giáo thôi, nhưng thằng bé đã cố gắng hết sức mà", người mẹ nói. "Tôi không thể chịu được cảnh con trai Ahmad 6 tuổi lên sân khấu mà thiếu mẹ. Được nhìn thấy con biểu diễn tại lễ tốt nghiệp cùng với bạn bè, tôi cảm thấy việc chịu đựng là vô cùng xứng đáng".
Cô Zakiah mắc đồng thời hiện tượng Raynaud và bệnh Buerger - đều là các chứng nan y khiến mạch máu chạy đến đầu ngón tay và chân bị thu hẹp, tắc nghẽn. Nó gây đau và nhiều triệu chứng bất tiện khác, cuối cùng có thể dẫn đến hoại tử ở tay hoặc chân, hoặc cả hai.
Đối với bà mẹ 34 tuổi, cô đã mất hết ngón tay (trừ 2 ngón tay cái) và toàn bộ ngón chân.
Dù vậy, cô chưa bao giờ đánh mất ý chí mạnh mẽ để trở thành một người mẹ tận tụy, dành hết tình yêu thương cho con mình.
Khi cô Zakiah 14-15 tuổi, các ngón chân bắt đầu sưng đau, tuy vậy bệnh viện cho rằng đó chỉ là do "không mang giày dép đúng cách".
Nhưng đến lúc Zakiah trưởng thành, vết sưng cũng to hơn. 5 năm trước, chân trái của cô sưng phồng khiến bác sĩ khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ, nhưng người phụ nữ đã từ chối.
Dù vậy, những chẩn đoán của bác sĩ vẫn gây ám ảnh, khiến bà mẹ nhận ra bệnh tình của mình nghiêm trọng đến nhường nào. "Tôi bắt đầu đến bệnh viện thường xuyên hơn, dùng thuốc với mức độ cao hơn, và cơn đau cũng tăng lên từng ngày".
Hiện giờ, khi y tá phải đến nhà hằng đêm để tiêm thuốc, người phụ nữ nói mình "vô cùng lo lắng ngay trước giờ y tá đến, giống như một cơn ác mộng lặp đi lặp lại". Cô phải dùng thuốc giảm đau để giữ cho mình được bình tĩnh.
Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ giúp cô vượt qua sự dày vò từ căn bệnh quái ác. "Nó giống như ai đó đang lột da tôi và rắc muối lên đó vậy", Zakiah nói.
Mẹ của Zakiah luôn túc trực bên cạnh, động viên con đừng khóc. Con trai Ahmad cũng có mặt bên mẹ nhưng Zakiah nói rằng "thằng bé buồn và sợ hãi". Nỗi buồn xuất phát từ việc em biết mẹ đang gặp vấn đề lớn về sức khỏe nhưng không thể làm gì để cải thiện nó.
Sau ngày con trai học xong mẫu giáo, Zakiah đau đến nỗi phải gọi xe cứu thương chở đi bệnh viện. Trên đường đi, cùng với cơn đau là nỗi bồn chồn lo lắng khi sắp phải nghe những phân tích của bác sĩ, cô biết rằng căn bệnh này đang tới lúc tệ hơn mà thôi.
Trước khi đi, cô dặn dò con trai trong nước mắt: "Đừng nghịch nhé. Ở với bà ngoại ngoan nhé. Mẹ sẽ luôn bên con. Mẹ sẽ về sớm thôi, hãy cầu nguyện cho mẹ mau bình phục".
Trong lễ tốt nghiệp của Ahmad, 6 tuổi, con trai cô Zakiah
Vào ngày thứ 5 ở bệnh viện, bác sĩ cho biết thuốc kháng sinh Zakiah đang dùng không đem lại kết quả. Vì thế, cô được tiêm cùng lúc 2 loại thuốc, hy vọng vết thương nhiễm trùng sẽ bớt trầm trọng hơn.
Sau chuỗi ngày kiệt quệ, người mẹ một con được xuất viện. Thỉnh thoảng khi cơn đau lắng xuống, Zakiah lại nghĩ ngợi. "Tôi từng cho rằng việc cầm bút viết chữ như một lẽ dĩ nhiên, vì nếu không mắc bệnh đến cụt cả tay chân, ai mà không nghĩ như vậy... Nhưng đột nhiên mọi thứ chấm dứt... Và giờ tôi thậm chí phải lệ thuộc vào mẹ hay các y tá để được đút ăn mỗi ngày".
Nhưng đau thì nhiều, buồn chỉ một chút như vậy thôi, rồi Zakiah lại trở nên sôi nổi, mạnh mẽ như bản tính xưa giờ của mình.
Aizura - một người bạn đã thân thiết với Zakiah khi cô còn làm nhân viên sở thú ở Singapore - cho biết: "Cô ấy luôn là một người giàu lòng yêu thương, dù với mọi người hay với các con vật. Và căn bệnh không làm cô ấy thay đổi nhiều".
Zakiah và người bạn thân, quen biết nhau từ hồi Zakiah còn khỏe mạnh
Ngoài người bạn lâu năm, Zakiah còn có một "người bạn lớn" khác, đó chính là mẹ của cô. Cũng là một người phụ nữ sớm li dị chồng, hai mẹ con nương tựa vào nhau, sống nhờ quán ăn nhỏ của gia đình và số tiền tiết kiệm. Đối với họ, tương lai thật vô định, vì có ai ngờ Zakiah lại mắc phải căn bệnh quái ác như thế. Nhưng họ vẫn cố vui vẻ hàng ngày, như thể mỗi ngày mới đã là một món quà quý giá.
Zakiah cũng vừa mới ăn mừng sinh nhật của mình. Cô bước qua tuổi 34.
Hôm đó, bên cạnh gia đình, bạn bè và con trai, tiệc sinh nhật ấm cúng của Zakiah còn có sự xuất hiện bất ngờ của ban biên tập chương trình "On The Red Dot" của đài Channel NewsAsia. Họ đến để chia vui với Zakiah cũng như ghi lại hành trình đấu tranh giành sự sống đầy kiên cường của người mẹ.
Tiệc sinh nhật ấm áp của Zakiah
Zakiah cho biết: "Tôi ngạc nhiên và vui mừng. Mọi người trang trí thật đẹp và món ăn ngon tuyệt. Tôi biết ai nấy đều rất bận rộn, nên cảm thấy rất xúc động khi họ đã ở đây và ăn mừng với mình".
"Con trai Ahmad cứ đòi chúng tôi mở quà. Thằng bé còn vui hơn là trong sinh nhật của nó".
Nhưng với Zakiah, đâu riêng gì sinh nhật mà mỗi ngày đã là một món quà ý nghĩa. Cô không bao giờ muốn tỏ ra buồn hay trách cứ cuộc đời, dẫu cho mình "không còn lành lặn".
Tôi không biết mình sẽ nhiễm trùng không thể chữa trị vào ngày mai hay ngày mốt... Bất cứ điều gì có khả năng xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Điều quan trọng là hãy biết ơn từng ngày được sống, và trân trọng những người bạn đã gặp trong đời.
Zakiah - người mẹ Singapore dũng cảm
Năm 2019 này, con trai Ahmad của Zakiah học Lớp 1. Người mẹ vừa tự hào vừa cay đắng nhận ra, Ahmad phải sớm học cách tự lập, cho một ngày lỡ như không còn mẹ trên đời.
Trước hôm vào lớp 1, Ahmad rất hào hứng nhưng khi đến ngưỡng cửa, cậu bé lại òa khóc như bao bạn bè cùng trang lứa.
Mẹ của em nói rằng Ahmad là một đứa trẻ hay ngại ngùng. Nhưng cô Zakiah mong muốn sự tự tin cũng là điều mà Ahmad phải rèn luyện hàng ngày, bên cạnh những bài tập ở trường.
Với tinh thần kiên cường như thế, gia đình nhỏ của Zakiah chấp nhận nhưng không đầu hàng số phận. Bất chấp mọi đau đớn của bệnh tật, người mẹ trẻ vẫn tỏ ra sắc sảo và nghiêm khắc: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Tôi vẫn có mẹ bên cạnh, và con trai cần tôi bên cạnh để chỉ đường dẫn lối. Tôi không hề muốn con mình lớn lên trong sự tiêu cực. Tôi muốn con trưởng thành, mạnh mẽ. Và khi gặp bất kì hoàn cảnh khó khăn nào, hãy tự vươn lên từ chính chỗ đó".
(Theo Channel NewsAsia)