Người mẹ Indonesia đau đớn kể lại khoảnh khắc vụt mất con gái trong sóng thần: "Tôi nắm cổ áo của con nhưng bị rách toạc"

Đ.L, Theo Helino 00:06 29/12/2018

Hàng trăm người đã thiệt mạng khi núi lửa Anak Krakatau phun trào, kéo theo sóng thần tàn phá vùng eo biển Sunda của Indonesia. Một người phụ nữ sống sót, nhưng đau đớn kể với đài BBC về giây phút đợt sóng khủng khiếp cuốn đi con gái 5 tuổi từ tay bà.

Emilia đang ôm chặt con gái khi sóng thần đánh vào bờ. "Tôi ôm nó, và nó vẫn liên tục gọi mẹ ơi", người phụ nữ kể.

Người mẹ Indonesia đau đớn kể lại khoảnh khắc vụt mất con gái trong sóng thần: Tôi nắm cổ áo của con nhưng bị rách toạc - Ảnh 1.

Người mẹ bất lực đánh mất con gái trong thảm họa sóng thần 22/12 (ảnh minh họa - skymetweather.com)

Nhưng khi hàng loạt cơn sóng hung tợn tiếp tục tấn công, người mẹ biết rằng mình không đủ sức giữ con bên cạnh nữa. "Tôi quá yếu, mọi sức lực đã bị cuốn trôi. Tôi thậm chí không thở nổi... Không thể giữ được con của mình, cố gắng nắm chặt cổ áo của nó nhưng bị rách toạc ra và con gái tôi bị cuốn trôi đi mất".

Emilia rất may mắn mới giữ được mạng sống. Người phụ nữ bị sóng cuốn ra biển rồi lại đánh dạt vào bờ. Chồng cô cũng sống sót dù bị thương nặng. Mặc dù vậy, đứa con gái duy nhất của họ vẫn không rõ tung tích.

Người mẹ Indonesia đau đớn kể lại khoảnh khắc vụt mất con gái trong sóng thần: Tôi nắm cổ áo của con nhưng bị rách toạc - Ảnh 2.

Emilia và chồng đều sống sót nhưng con gái họ còn chưa được tìm thấy (ảnh: BBC)

Gia đình nhỏ 3 người vốn sống bình dị trên đảo Sebesi - một trong những hòn đảo lớn nhất thuộc eo biển Sunda, nằm gần núi lửa Anak Krakatau. Sau thảm họa, cả nhà chỉ còn lại 2 vợ chồng, đều được chữa trị tại bệnh viện Bob Bazar cùng với 88 nạn nhân khác.

Một bệnh nhân tên Nursanah nói rằng dù sống sót, tương lai của họ vẫn rất mờ mịt. "Chúng tôi suy kiệt cả về thể chất lẫn tâm lí, nhất là khi nghe núi lửa Krakatau lại gầm vang. Chúng tôi đã mất nhà cửa, lấy gì nấu ăn bây giờ? Thật không nghĩ được chúng tôi cần cứu trợ thứ gì đầu tiên nữa", Nursanah nói.

Theo BBC, tính đến 27/12 đã có ít nhất 430 người thiệt mạng, 150 người vẫn còn mất tích và 22.000 người khác phải di tản đến khu vực an toàn. Hàng ngàn người đang tá túc trong nhà thờ hay trường học, nhiều trong số họ nằm la liệt dưới sàn nhà lạnh lẽo.

(Theo BBC)