Một số người dường như không bao giờ ngủ đủ, họ có thể ngủ nhiều giờ đồng hồ mà vẫn cảm thấy kiệt sức trong khi những người khác đều đã thức dậy và làm việc. Đa số người trưởng thành ngủ từ 7 - 8 tiếng một ngày. Nếu bạn thường xuyên cần ngủ nhiều hơn (khoảng hơn 10 tiếng một ngày) nhưng luôn cảm thấy kiệt sức, những nguyên nhân sau rất có thể là thủ phạm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời gian ngủ cần thiết của một người. Điều này liên quan đến đồng hồ sinh học được định sẵn của bạn nên khá khó khăn nếu muốn thay đổi hoàn toàn. Tuy vậy, bạn vẫn có thể điều chỉnh số giờ ngủ của mình bằng cách tạo cho mình các thói quen về giấc ngủ, như kiểm soát giờ đi ngủ và giờ thức dậy.
Thanh thiếu niên cũng là đối tượng dễ ngủ hơn, ngủ lâu hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thức giấc. Nếu cha mẹ bạn đã khiến bạn có thói quen ngủ muộn ngay từ khi còn nhỏ, thì việc ngủ nướng quá nhiều không hoàn toàn là lỗi của bạn.
Chứng rối loạn giấc ngủ có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn ngủ lịm mê mệt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ, và việc ngủ quá nhiều thường xảy ra do các rối loạn thực tổn liên quan đến hô hấp, lạm dụng thuốc hoặc chất gây nghiện. Với những người bị mắc chứng bệnh này, việc rời khỏi giường sau khi ngủ ít hơn 10 tiếng là điều không thể. Họ có thể dành 15 - 20 tiếng vào ngày cuối tuần chỉ để ngủ, và chỉ thức dậy khi đến giờ ăn hoặc tắm. Thông thường, để giải quyết tình trạng này, bạn cần nhờ đến những sự trợ giúp về y tế.
Một giấc ngủ dài có thể là biểu hiện của việc stress, hoặc nghiêm trọng hơn là trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy có những sự liên quan nhất định giữa sức khỏe tâm thần và giấc ngủ. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị stress cũng gây ra hiện tượng ngủ quá nhiều. Nếu có bất kì nghi ngờ nào về loại thuốc bạn đang sử dụng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Các chấn thương sọ não cũng là nguyên nhân thường thấy của việc ngủ nhiều. Bởi giấc ngủ có liên quan chặt chẽ tới việc phục hồi của cơ thể. Đặc biệt với các nạn nhân bị chấn thương, những giấc ngủ sâu sẽ khiến chức năng não được cải thiện đáng kể.
Nếu bạn thức trắng một hoặc hai đêm liên tục để làm việc, thì việc ngủ bù thật lâu ngay khi có cơ hội là điều hoàn toàn bình thường. Điều này không có gì nghiêm trọng nhưng tất nhiên không phải là một thói quen tốt, bởi việc ngủ bù không thể bù đắp lại đầy đủ những mất mát về sức khỏe khi bạn thiếu ngủ. Trong nhiều trường hợp, ngủ bù còn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn, vì vậy, hãy cố gắng cân đối thời gian nghỉ ngơi ở mức hợp lí nhất có thể.
Nguồn: Huffpost