Ngoại lệ ở Châu Âu: Quốc gia duy nhất không đóng cửa vì Covid-19, nhà hàng quán bar vẫn hoạt động, học sinh vẫn đến trường, GDP có thể giảm 7% và kiểm soát dựa trên “niềm tin”

Hà My, Theo Tổ Quốc 09:30 04/05/2020

Đất nước này là một trường hợp ngoại lệ ở châu Âu khi Chính phủ tin tưởng rằng người dân của mình sẽ tự giác tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Chống theo cây gậy và dừng chân nghỉ giữa đường, bà Birgit Lilja (82 tuổi) cố gắng đứng cách xa đám thanh niên trẻ đang nằm tắm nắng tận hưởng những ngày xuân đầu tiên trong năm ở Thụy Điển. "Tôi cố gắng không đến gần họ, nhưng tôi tin là họ cũng sẽ hết sức cẩn thận cho sự an toàn của tôi", bà nói.

Ngoại lệ ở Châu Âu: Quốc gia duy nhất không đóng cửa vì Covid-19, nhà hàng quán bar vẫn hoạt động, học sinh vẫn đến trường, GDP có thể giảm 7% và kiểm soát dựa trên “niềm tin”  - Ảnh 1.

Niềm tin được đánh giá cao ở đất nước này – từ Chính phủ, các tổ chức đến người dân Thụy Điển. Khi Chính phủ Thụy Điển bỏ qua bài học từ các nước đồng minh và quyết định không đóng cửa nền kinh tế để làm giảm đường cong dịch bệnh, các quan chức y tế công cộng tại quốc gia này khẳng định "niềm tin" chính là giải pháp trung tâm trong cuộc chiến chống dịch bệnh lúc này.

Chính phủ Thụy Điển tin tưởng rằng người dân sẽ ở nhà, tuân thủ các quy tắc cách ly xã hội và rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của virus mà không cần đến bất cứ mệnh lệnh bắt buộc hay hình phạt nào cả. Và đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển dường như đã thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Tỷ lệ tử vong tại quốc gia này là 22 trên 100.000 người, tương đương với Ireland – quốc gia giành được nhiều lời khen ngợi trong việc xử lý dịch bệnh và tốt hơn rất nhiều so với các nước đồng minh khác như Anh, Pháp.

Tuy nhiên, khi những ngày xuân ấm áp vừa đến, hàng chục ngàn người dân Thụy Điển lại đổ ra đường mà không quan tâm đến quy định cách ly y tế. Và dường như người ta lại hoài nghi về cách mà Thụy Điển xử lý dịch bệnh trong khi vẫn không hề đóng cửa nền kinh tế.

Dọc con đường Skanegatan trong khu phố Sodermalm tại Stockholm, bà Lilja bắt gặp rất nhiều thanh niên trẻ tuổi tại các quán bar, nhà hàng và công viên. Họ ngồi uống rượu và trò chuyện vui vẻ như chưa có gì xảy ra.

"Tôi tỏ lòng thành kính đối với những người đã mất vì dịch bệnh. Nhưng chúng tôi cũng đang làm những điều bình thường trên đất nước của mình. Số liệu thống kê của chúng tôi không khác gì so với những người bạn láng giềng khác. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi rất vui mừng vì chúng tôi không phải đóng cửa đất nước", Johan Mattsson (44 tuổi) chia sẻ khi đang ngồi tại một quán cafe ở đường Skanegatan.

Trong khi hầu hết các quốc gia phải đóng cửa, Thụy Điển vẫn mở cửa biên giới và cho phép các nhà hàng, quán bar tiếp tục duy trì hoạt động; trường học vẫn mở cửa, không giới hạn các phương tiện giao thông hay các khu vui chơi ngoài trời. Bên cạnh đó, cửa hiệu làm tóc, phòng tập gym, yoga, thậm chí rạp chiếu phim vẫn mở cửa.

Tuy nhiên, Thụy Điển quy định cấm tụ tập trên 50 người. Bảo tàng đóng cửa và các sự kiện thể thao bị hủy. Cuối tháng 3 vừa qua, các cuộc viếng thăm tới viện dưỡng lão cũng bị cấm. Chừng đó, đều chỉ dừng lại ở quy định, hầu như không có hình phạt nào được đưa ra và cảnh sát chỉ có nhiệm vụ duy nhất là... yêu cầu người dân tuân thủ nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Những người đeo khẩu trang ra đường vẫn sẽ bị nhìn như... vừa ở trên Sao Hỏa xuống!

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Lena Hallengren – Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Thụy Điển cho biết quốc gia này đã chuẩn bị đầy đủ các đơn vị chăm sóc đặc biệt để đối phó với Covid-19. "Ngay ở thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn còn 250 giường trống".

Theo báo cáo của New York Times, tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển cũng thấp hơn rất nhiều so với con số hàng nghìn người mỗi ngày tại các nước đồng minh Châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Tuy vậy, kết quả này không đồng nghĩa với việc quốc gia Bắc Âu này đã hoàn toàn chiến thắng Covid-19.

Cơ quan Y tế công cộng thừa nhận rằng nhóm người cao niên đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 với 75% trong tổng số 101 viện dưỡng lão ở thủ đô Stockholm có bệnh nhân Covid-19. Những nhân viên làm việc ở đây phàn nàn vì thiếu hụt số lượng lớn thiết bị bảo vệ cá nhân.

Theo Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson, việc mở cửa đất nước trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến Thụy Điển bởi nước này phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. "Tăng trưởng kinh tế có khả năng giảm 7% trong năm nay, nhưng các nhà hàng, khách sạn và tiệm làm tóc gần như không bị ảnh hưởng so với các nước khác", bà nói.

"Về cơ bản, chúng tôi đang cố gắng làm điều tương tự giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới – làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Chỉ có điều công cụ mà chúng tôi sử dụng khác với các nước mà thôi", một nhà khoa học Thụy Điển chia sẻ.

Tuy nhiên, sau tất cả, Thụy Điển vẫn phải đối mặt với một mất mát khá lớn khi tỷ lệ tử vong ở nhóm người trên 70 tuổi chiếm tới 86% trong tổng số hơn 2.100 trường hợp tử vong. Tỷ lệ này tương đương với nhiều quốc gia khác, song các nhà phê bình cho rằng con số này có thể thấp hơn nếu Cơ quan Y tế Công cộng không "quá tắc trách".

"Họ yêu cầu người dân ở nhà nhưng lại cho phép các nhà hàng tiếp tục mở cửa. Họ yêu cầu nhân viên tại các viện dưỡng lão chỉ đeo khẩu trang khi cảm thấy không khoẻ. Chính sách của họ vừa mơ hồ vừa cứng nhắc", Lena Einhorn – một nhà virus học trẻ tuổi tại quốc gia này lên tiếng.