Nhiều người muốn sống đến 100 tuổi, hoặc ít nhất là 90 tuổi, và điều ước này có thể thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến việc duy trì thái độ lạc quan. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người lạc quan có nhiều khả năng sống lâu hơn 90 tuổi.
Hôm 8/6 vừa qua, Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng những người lạc quan - được định nghĩa là những người có "kỳ vọng chung về kết quả tích cực trong tương lai" - có khả năng sống qua 90 tuổi cao hơn bất kỳ ai khác.
Các phát hiện được thu thập trong 26 năm nghiên cứu từ 159.255 phụ nữ đa dạng về chủng tộc với nhiều quốc tịch khác nhau, cho thấy rằng những người tham gia lạc quan sống lâu hơn những người không lạc quan 5,4% - tức là sống thêm được khoảng 4 năm.
Các yếu tố lối sống lành mạnh, chẳng hạn như chất lượng của chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, chỉ số khối cơ thể (BMI), hút thuốc và uống rượu, chiếm ít hơn một phần tư mối liên hệ giữa tuổi thọ và sự lạc quan, theo kết quả nghiên cứu.
Phát hiện được xây dựng dựa trên một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Harvard và Đại học Boston, cho thấy những người đàn ông và phụ nữ lạc quan sống lâu hơn trung bình từ 11-15%. Nghiên cứu năm 2019 kết luận rằng những người tích cực cao là nhóm có nhiều khả năng sống đến 85 tuổi trở lên, tuy nhiên, nghiên cứu này chưa thực sự toàn diện bởi những người tham gia "hầu hết là người da trắng và có tình trạng kinh tế xã hội cao hơn so với dân số chung".
Những phát hiện tại nghiên cứu được công bố hôm 8/6 vừa qua cho thấy rằng sự lạc quan "cũng có thể thúc đẩy sức khỏe và tuổi thọ" trên các nhóm kinh tế xã hội và chủng tộc đa dạng.
Tác giả chính Hayami Koga, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cho biết: "Mặc dù bản thân sự lạc quan có thể được tạo hình bởi các yếu tố cấu trúc xã hội, nhưng phát hiện của chúng tôi cho thấy lợi ích của sự lạc quan đối với tuổi thọ có thể tồn tại ở nhiều nhóm xã hội. Sự lạc quan có thể là một mục tiêu can thiệp quan trọng để kéo dài tuổi thọ ở các nhóm khác nhau".
Nghiên cứu lưu ý rằng căng thẳng thường gây ảnh hưởng tâm lý rủi ro sức khỏe. Những người lạc quan cũng “quản lý cảm xúc và hành vi tốt hơn”.
Các nghiên cứu về các cặp song sinh chỉ thấy khoảng 25% sự lạc quan của chúng ta là do gen của chúng ta lập trình. Phần còn lại là tùy thuộc vào chúng ta và cách chúng ta ứng phó với những điều không hay trong cuộc sống. Nếu bạn dễ trở nên chua ngoa khi căng thẳng, đừng lo lắng. Hóa ra bạn có thể rèn luyện bộ não của mình trở nên tích cực hơn.
Theo phân tích tổng hợp các nghiên cứu hiện có, một trong những cách hiệu quả nhất để tăng sự lạc quan được gọi là phương pháp "Bản thân có thể tốt nhất". Trong sự can thiệp này, bạn tưởng tượng mình đang ở trong một tương lai mà bạn đã đạt được mọi mục tiêu trong cuộc sống và mọi vấn đề của bạn đã được giải quyết.
Bắt đầu viết trong 15 phút về những chi tiết cụ thể mà bạn đã hoàn thành và dành năm phút để tái hiện thực tế đó trông như thế nào và cảm nhận như thế nào. Thực hành điều này hàng ngày có thể cải thiện đáng kể cảm giác tích cực của bạn, các chuyên gia nói.
Trong một nghiên cứu năm 2011, sinh viên thực hành "Bản thân có thể tốt nhất" trong 15 phút mỗi tuần một lần trong 8 tuần. Họ không chỉ cảm thấy tích cực hơn mà còn kéo dài được xu hướng tích cực đó trong khoảng sáu tháng.
Một cách khác để củng cố sự lạc quan là viết nhật ký chỉ dành riêng cho những trải nghiệm tích cực mà bạn đã trải qua ngày hôm đó. Theo thời gian, việc tập trung vào điều tích cực có thể định hình lại cách nhìn của bạn, các chuyên gia chia sẻ.
Dành vài phút mỗi ngày để viết ra những điều khiến bạn biết ơn cũng có thể cải thiện cách nhìn của bạn về cuộc sống. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hành lòng biết ơn sẽ cải thiện kỹ năng ứng phó tích cực bằng cách phá bỏ lối suy nghĩ tiêu cực điển hình và thay thế bằng sự lạc quan. Việc đếm các điều tuyệt vời thậm chí còn làm giảm bớt các hành vi có vấn đề ở thanh thiếu niên.
Giống như tập thể dục, các bài tập về tinh thần lạc quan sẽ cần được thực hành thường xuyên để duy trì quan điểm tích cực của não bộ, các chuyên gia nói. Vậy một cuộc sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, tích cực hơn có đáng để bạn nỗ lực?
Nguồn và ảnh: CNN, CNBC, NDTV