Ngày làm 8 tiếng uống 2 ly trà sữa, bác sĩ chỉ ra hàng loạt bệnh nguy hiểm bủa vây người trẻ

BS Huỳnh Minh Nhựt, Theo thanhnienviet.vn 16:01 22/01/2025
Chia sẻ

Ngày nay, thói quen nghiện ăn, uống đồ ngọt ngày càng phổ biến, tuy nhiên đằng sau thói quen ăn uống này, lại mang đến nhiều hệ lụy sức khỏe không phải ai cũng biết.

Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam ngày càng có xu hướng nghiện đồ ngọt. Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều dân văn phòng bắt đầu ngày mới với ly trà sữa trên tay, thậm chí ngày làm 8 tiếng uống hẳn 2 ly. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, bắt nguồn từ việc cơ thể dư thừa đường.

Tại Việt Nam, các thống kê chỉ ra lượng đường tiêu thụ đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Cụ thể, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và đạt 50,7 lít/người vào năm 2018. Việc tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh không lây nhiễm. Thực tế cũng cho thấy, các bệnh mạn tính không lây đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, phần lớn do thói quen nghiện đồ ngọt này.

Ngày làm 8 tiếng uống 2 ly trà sữa, bác sĩ chỉ ra hàng loạt bệnh nguy hiểm bủa vây người trẻ- Ảnh 1.

Nguy cơ mắc nhiều bệnh vì nghiện đồ ngọt

Thừa cân béo phì

Việc dùng quá nhiều đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường (thức uống có đường, tinh bột) mà cơ thể không dung hết năng lượng là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì. Đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây chứa nhiều fructose làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, dẫn đến tăng cân.

Bệnh đái tháo đường

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp từ 17 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường cao tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 lên 1,51 lần. Trong đó, nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 3 nghiên cứu thuần tập ở Mỹ với khoảng 200.000 người tham gia trong khoảng 20 năm cho thấy, tăng tiêu thụ đồ uống có đường >177ml/ngày trong 4 năm có liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn 16% trong 4 năm tiếp theo.

Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, mắc đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch,...

Mặc dù, chưa có nghiên cứu chứng tỏ việc ăn nhiều đường sẽ bệnh tiểu đường, nhưng các nghiên cứu điều chỉ ra mối liên quan giữa thói quen nghiện đồ ngọt và đường có liên quan đến bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường loại 2 thông qua nhiều cơ chế khác nhau như: tăng cân, kháng insulin và rối loạn chuyển hóa. Bệnh đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ hàng đầu trên thế giới. Riêng Việt Nam có khoảng hơn 3,5 triệu người bệnh, dự kiến tăng lên gần 6,3 triệu ca vào năm 2045.

Bệnh tim mạch

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều đường và dùng đồ uống có đường thường xuyên có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Việc tiêu thụ quá nhiều đường kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch thông qua các cơ chế như tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu và gây viêm. Năm 2019, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Circulation cho thấy mỗi khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên tới 15%, đặc biệt ở những người có các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân hoặc huyết áp cao.

Ngày làm 8 tiếng uống 2 ly trà sữa, bác sĩ chỉ ra hàng loạt bệnh nguy hiểm bủa vây người trẻ- Ảnh 2.

Nguy cơ bị gan nhiễm mỡ

Việc tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là đường fructose có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, trà sữa,... có thể làm tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ. Nghiên cứu cho thấy rằng đường có thể thúc đẩy sự tích tụ mỡ trong gan thông qua cơ chế tăng tổng hợp lipid và giảm oxy hóa lipid. Một nghiên cứu của Mỹ trên 5.900 người cho thấy người uống đồ uống chứa đường hàng ngày có nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn 56% so với những người không uống. Bên cạnh đó, việc dùng quá nhiều đường, đồ ngọt của giới trẻ còn dẫn đến một số vấn đề sức khoẻ khác như tăng khả năng trầm cảm, thúc đẩy quá trình lão hóa, nguy cơ mắc bệnh thận,...

Trước những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe trên, các bạn trẻ nên hạn chế thói quen dùng quá nhiều đồ ngọt và các thực phẩm chứa nhiều đường, đồng thời cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Cần nhớ rằng cơ thể sẽ cần thời gian để thích nghi với những thói quen mới, ngay cả khi đó là những thói quen tích cực.

Thay vì ngừng ngay lập tức việc sử dụng đường, hãy giảm dần một cách từ từ. Giảm cơn thèm ngọt bằng cách điều chỉnh lượng đường trong thực phẩm từ từ. Hãy thay thế bánh kẹo và nước ngọt bằng rau củ và trái cây có vị ngọt nhẹ hơn. Ngoài ra, hãy uống nước lọc thay vì đồ uống có đường. Cảm giác thèm ăn cũng có thể do tình trạng thừa axit trong cơ thể, vì vậy việc tập luyện thể thao sẽ giúp cải thiện lưu thông máu và giảm cảm giác thèm ăn đồ ngọt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày