8 cách rã đông thịt sai lầm nhiều người mắc, vội vã mấy cũng nên tránh

Mỹ Diệu, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 12:07 22/01/2025
Chia sẻ

Rã đông thịt sau khi bỏ ra khỏi ngăn đá là việc làm cần thiết nhưng không phải ai cũng biết làm đúng cách.

Việc nấu thịt đã đông lạnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng dù là thịt bò, thịt lợn hay thịt gà thì cách rã đông không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị, kết cấu của thịt mà nếu việc rã đông được thực hiện sai sai cách còn có thể khiến thực phẩm trở nên không an toàn. 

Dưới đây là 8 cách rã đông thịt sai lầm, vội vã mấy cũng nên tránh.

8 cách rã đông thịt sai lầm nhiều người mắc, vội vã mấy cũng nên tránh- Ảnh 1.

1. Bỏ qua luôn bước rã đông

David Rose, bếp trưởng điều hành của nhà hàng Omaha Steaks, cho biết nếu thịt đông lạnh không được rã đông, bên ngoài miếng thịt có thể chín trước bên trong, thậm chí ngoài cháy khét nhưng bên trong vẫn sống.

Tác giả sách dạy nấu ăn Courtney Luna cho biết một số loại thịt có thể được nấu chín mà không cần rã đông miễn là bạn làm theo một số bước đơn giản. Điều quan trọng là không để protein nấu quá lâu ở nhiệt độ mà các vi khuẩn có hại như E. coli, salmonella và listeria có thể phát triển mạnh, được gọi là "vùng nguy hiểm" - trong khoảng từ 40 đến 140 độ F (4 đến 60 độ C), những miếng thịt nhỏ hoặc thịt xay có thể được nấu trực tiếp ở trạng thái đông lạnh bằng cách điều chỉnh thời gian nấu. Những miếng thịt lớn có thể nấu trong nồi áp suất, nhưng không được nấu trong chảo vì thịt sẽ ở quá lâu trong vùng nguy hiểm.

2. Rã đông thịt ở nhiệt độ phòng

Để thịt rã đông quá lâu ở nhiệt độ vùng nguy hiểm là điều không nên, vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn vốn có trong thịt sinh sôi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết thời gian thích hợp là không quá hai giờ, nhưng nếu thịt được để ở nơi có nhiệt độ trên 90 độ F (khoảng 32 độ C) thì thời hạn sẽ giảm xuống còn một giờ.

Rã đông ở nhiệt độ phòng cũng sẽ khiến thịt rã đông không đều bên trong và bên ngoài. Nơi rã đông tốt nhất là ở ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ dưới 40 độ F (khoảng 4 độ C).

3. Rã đông trong ngăn mát nhưng không để đĩa lót

Việc rã đông thịt trong ngăn mát tủ lạnh tốn nhiều thời gian hơn. Ví dụ, một con gà tây lớn có thể cần 24 giờ để rã đông. Tuy nhiên, nó không quá nghiêm trọng.

Luna cho biết nước thịt có thể chảy ra khi rã đông nên hãy nhớ đặt thịt lên đĩa hoặc khay, trong khi Ross đề nghị rã đông thịt ở tầng dưới cùng của tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo do nước thịt vô tình chảy ra ngoài và làm ô nhiễm các thực phẩm khác. Đây mới là vấn đề chính bạn cần lưu tâm.

4. Ngâm nước nóng để rã đông

Nếu không đủ thời gian, nhiều người sẽ dùng nước nóng để rã đông thịt. Ross cho biết phương pháp này không an toàn vì sẽ giữ thịt ở nhiệt độ nằm trong vùng nguy hiểm. Luna cho biết điều này cũng sẽ khiến một phần thịt bị chín, và sau đó thịt sẽ bị dai hoặc có mùi vị khó chịu sau khi nấu.

Luna cho biết nếu gấp, cô sẽ rã đông trong nước lạnh, cho thịt vào túi nilon buộc kín rồi ngâm vào nước lạnh, 30 phút thay nước một lần. Blake Albers, người sáng lập cửa hàng bán thịt trực tuyến Albers Craft Meats, cho biết ông cũng sử dụng nước lạnh để rã đông thịt, nhưng không ngâm thịt trong bồn rửa bát trong bếp. Nếu túi có những lỗ thủng không được phát hiện, thịt sẽ bị nhiễm độc.

5. Rã đông trong nồi nấu chậm nhưng không chú ý nhiệt độ

USDA tuyên bố rằng nồi nấu chậm hoạt động ở nhiệt độ từ 170 đến 280 độ F (khoảng 76 đến 120 độ C), giúp thịt không rơi vào vùng nhiệt độ nguy hiểm. 

Nhưng hãy nhớ chuyển nhiệt độ lên mức cao nhất trong giờ đầu tiên nấu để không cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi.

6. Rã đông bằng lò vi sóng mà không nấu luôn

Lò vi sóng không làm thịt tiếp xúc với nhiệt độ vùng nguy hiểm, nhưng Ross cho biết nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng thịt bằng cách làm thịt bị khô, phá hủy protein và khiến nhiệt độ bên trong không đồng đều. 

Nếu bạn phải rã đông bằng lò vi sóng, hãy nhớ nấu ngay sau khi rã đông.

7. Không tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm khi rã đông

Không đặt thịt chung với các thực phẩm khác khi rã đông, đặc biệt là thực phẩm đã nấu chín hoặc ăn sẵn. Ngoài ra, hãy nhớ rửa tay sau khi xử lý thịt đã rã đông và làm sạch hoàn toàn mọi dụng cụ và đồ dùng đã sử dụng hoặc chạm vào trong quá trình rã đông.

8. Không rã đông thịt theo kích cỡ

Các loại, kích cỡ và hình dạng khác nhau của thịt đòi hỏi các phương pháp và thời gian rã đông khác nhau. Luna cho biết, những miếng thịt lớn tốt nhất nên rã đông trong tủ lạnh, còn những miếng thịt nhỏ có thể rã đông nhanh chóng bằng nước lạnh.

Nguồn và ảnh: Aboluowang

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày