Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 cho biết, vào dịp Tết, mọi người thường tụ tập ăn uống và tăng sử dụng rượu bia. Theo bác sĩ, khi sử dụng rượu bia, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, mọi người cần có những lưu ý quy tắc "3 không – 1 ăn" dưới đây.
3 không khi uống rượu
- Không uống quá sức: Bác sĩ Hằng cho biết, khi sử dụng rượu bia, mọi người cần biết giới hạn của bản thân, tuyệt đối không uống quá sức. Việc hạn chế lượng rượu đưa vào cơ thể mỗi lần uống cũng là một trong những cách giảm tác hại của rượu bia với sức khỏe. Theo bác sĩ, nam giới chí nên uống ≤ 2 đơn vị cồn/ngày; nữ giới uống ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.
1 đơn vị cồn tương đương với 14 gam cồn tinh khiết; tương đương 354ml bia với độ cồn là 5%, 150ml rượu vang có độ cồn là 12% hoặc 45ml rượu mạnh 40% độ cồn.
Ngoài ra, khi sử dụng rượu bia, mọi người nên giãn cách thời gian giữa các lần uống để cơ thể, nhất là gan có đủ thời gian xử lý và lọc độc tố.
Bác sĩ Hằng lưu ý thêm rằng mọi người nên uống rượu chậm và từ tốn, cách tốt nhất là nên nhấp từng ngụm nhỏ thay vì uống nhanh. Mọi người nên lịch sự từ chối khi không muốn uống hoặc cảm thấy bản thân đã uống đủ.
- Không pha trộn nhiều loại đồ uống với rượu: Nhiều người cho rằng pha thêm các loại nước giải khát vào rượu sẽ làm giảm đi lượng cồn. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết đây là quan điểm sai lầm. Việc pha trộn các loại đồ uống với rượu không giúp giảm lượng cồn mà còn làm tăng nguy cơ say nhanh hơn.
Bác sĩ Hằng lưu ý, tuyệt đối người dân không pha trộn nhiều loại đồ uống với rượu bia để tránh gây quá tải cho cơ thể.
- Không uống bia rượu khi đang dùng thuốc: Theo bác sĩ Hằng, rượu có thể tương tác với nhiều loại thuốc, gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Chuyên gia lưu ý mọi người chỉ nên uống thuốc với nước lọc và nên uống bia rượu cách thời điểm uống thuốc ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn cho bản thân và người xung quanh, mọi người tuyệt đối không nên lái xe sau khi uống rượu. Thay vào đó, mọi người nên sử dụng phương tiện công cộng hoặc nhờ người khác đưa về.
1 ăn giúp giảm tác hại của rượu
Để giảm thiểu các tác hại của rượu đối với cơ thể, bác sĩ Hằng khuyên người dân nên ăn no trước khi uống rượu bia.
Theo đó, mọi người nên ăn các loại thức ăn giàu protein như: thịt, cá… vì các thực phẩm này có thể làm chậm quá trình hấp thụ cồn. Ngoài ra, mọi người nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây để giúp giảm nồng độ cồn trong cơ thể.
Trong dịp Tết nhu cầu sử dụng rượu tăng cao do đó người dân cần lưu ý chọn mua rượu ở nơi uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Mọi người nên kiểm tra rượu trước khi dùng, tránh uống các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ vì các loại rượu này có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa methanol hoặc các hóa chất nguy hiểm khác gây hại cho sức khỏe, bác sĩ Hằng nói.
Dấu hiệu cần đến viện sau khi uống rượu
Đối với người say rượu, gia đình cần phải chú ý giữ ấm cơ thể cho họ, thường xuyên kiểm tra, lay gọi. Gia đình cần đảm bảo người say rượu ăn uống đủ bữa, tránh nguy cơ tụt đường huyết và hôn mê.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo, sau khi uống rượu, nếu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, có dấu hiệu ngộ độc hoặc bất kỳ trạng thái nào bất thường, mọi người cần gọi cấp cứu để nhận trợ giúp y tế từ các chuyên viên. Nếu thấy người thân bị say rượu ngủ li bì, gọi không tỉnh, nôn nhiều, đau đầu dữ dội… gia đình cần đưa bệnh nhân để cơ sở y tế sớm để được can thiệp kịp thời.