Mất việc, định huỷ bảo hiểm nhân thọ sau 4 năm đóng phí, người phụ nữ được thông báo: "Dù không đóng phí tiếp, chị vẫn được quyền lợi bảo vệ 1 tỷ đồng"

Mai Anh (ghi), Theo An ninh tiền tệ 23:34 11/04/2025
Chia sẻ

Thay vì huỷ hợp đồng để rút hơn 10 triệu đồng, người phụ nữ quyết định tiếp tục duy trì bảo hiểm nhằm giữ nguyên quyền lợi chi trả 1 tỷ đồng nếu chẳng may xảy ra rủi ro.

"Năm nay tôi 36 tuổi, đã lập gia đình và có hai con nhỏ. Hiện tôi đang sống tại Hà Nội. Hơn bốn năm trước, vào năm 2021 – thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về tương lai và các rủi ro sức khỏe có thể xảy đến với bản thân.

Trong bối cảnh bất ổn đó, tôi quyết định tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như một biện pháp dự phòng. Tôi xem bảo hiểm như một "tấm lưới an toàn" – không ai mong phải dùng đến, nhưng nếu không may gặp biến cố, ít nhất gia đình mình sẽ không rơi vào khó khăn về tài chính.

Hợp đồng tôi chọn có quyền lợi khá rõ ràng: nếu xảy ra rủi ro tử vong, gia đình tôi sẽ nhận 1 tỷ đồng; nếu mắc bệnh hiểm nghèo, được chi trả 100 triệu đồng. Phí bảo hiểm thời điểm đó là khoảng 12 triệu đồng/năm – tức hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, một con số tôi cho là hợp lý với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng khi ấy. Tôi cũng được tư vấn rõ rằng mức phí này sẽ tăng dần theo tuổi.

Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo kế hoạch. Đầu năm 2025, tôi bất ngờ rơi vào tình trạng thất nghiệp khi công ty cắt giảm nhân sự. Từ mức thu nhập ổn định, tôi chuyển sang công việc bán hàng online tại nhà với thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, khoản vay mua nhà vẫn đều đặn phải trả lãi hàng tháng. Gánh nặng tài chính khiến tôi thực sự kiệt sức.

Lúc đó, bảo hiểm – từng là kế hoạch tài chính chủ động – lại trở thành một khoản chi khó gánh. Tôi nghĩ đến việc chấm dứt hợp đồng để rút lại phần nào số tiền đã đóng, dù biết chắc sẽ không đáng là bao. Tôi dự đoán mình chỉ nhận lại được khoảng 10 triệu đồng – quá ít so với tổng phí đã đóng suốt bốn năm.

Tôi liên hệ với tư vấn viên bảo hiểm để xin thông tin chấm dứt hợp đồng. Nhưng bất ngờ là, họ cho tôi biết: "Chị không cần tiếp tục đóng phí, nhưng vẫn được bảo vệ quyền lợi 1 tỷ đồng". Theo quy định của sản phẩm tôi tham gia, sau khi đã đóng đủ phí cơ bản trong 4 năm đầu, hợp đồng sẽ tự động chuyển sang giai đoạn linh hoạt – có thể tiếp tục đóng, đóng một phần hoặc tạm dừng đóng phí mà quyền lợi bảo hiểm vẫn được giữ nguyên, miễn là trong tài khoản còn đủ để trừ các khoản phí rủi ro hằng năm.

Tư vấn viên giải thích rằng: mỗi năm, hợp đồng sẽ tự động trừ khoảng hơn 1 triệu đồng phí rủi ro từ giá trị tài khoản. Nếu tôi giữ nguyên hợp đồng, thì sau 5 năm cũng chỉ mất khoảng 5-6 triệu – thấp hơn rất nhiều so với khoản phí chấm dứt hợp đồng sớm ngay lúc này. Và quan trọng nhất, tôi vẫn được bảo vệ với quyền lợi 1 tỷ đồng – một con số rất đáng giá trong lúc tôi đang phải đối mặt với nhiều bất trắc về tài chính.

Tôi đã cân nhắc kỹ và quyết định giữ nguyên hợp đồng, tạm dừng đóng phí. Bởi ở thời điểm hiện tại, việc được tiếp tục bảo vệ trước những rủi ro lớn còn quan trọng hơn việc rút lại một khoản tiền nhỏ đã hao hụt nhiều do các chi phí.

Theo lời tư vấn, nếu tôi giữ hợp đồng đến hết năm thứ 10 – tức thời điểm đáo hạn vào năm 2030 – sau khi trừ đi các chi phí như phí rủi ro, phí quản lý quỹ, phí duy trì… nếu tài khoản vẫn còn dư, tôi vẫn có thể nhận lại phần còn lại, mà không bị mất phí chấm dứt hợp đồng như trong các năm đầu.

Tôi chia sẻ câu chuyện này không nhằm khuyên ai nên hay không nên mua bảo hiểm. Mỗi người có hoàn cảnh và sự lựa chọn riêng. Nhưng với tôi, quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ từ năm 2021, dù có lúc thấy nghi ngại, có lúc muốn dừng lại đến giờ vẫn là một quyết định đúng".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày