Với mong muốn chuẩn bị một khoản tích lũy cho tương lai của con gái, năm 2016, bà Hồng (sống tại TP. Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đã tìm đến chi nhánh Thái Bình Nhân Thọ để tham khảo các sản phẩm bảo hiểm.
Tại đây, bà được một tư vấn viên tên Tiểu Quách giới thiệu một sản phẩm bảo hiểm kết hợp tiết kiệm. Theo lời bà Hồng, nhân viên này cam kết rằng nếu sau này bà không muốn tiếp tục đóng phí, công ty sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền bà đã nộp.
Tin tưởng vào lời tư vấn, bà Hồng đồng ý ký hợp đồng. Trong suốt 6 năm tiếp theo, bà đều đặn đóng phí với tổng số tiền lên đến gần 248.600 nhân dân tệ (tương đương gần 850 triệu đồng). Ngoài ra, đến tháng 8/2021, bà đã nhận được khoảng 79.000 nhân dân tệ (khoảng 280 triệu đồng) tiền quyền lợi định kỳ theo hợp đồng.
Tuy nhiên, khi muốn dừng hợp đồng và đề nghị rút lại toàn bộ khoản đã đóng, bà Hồng bất ngờ khi phía công ty thông báo chỉ hoàn trả hơn 70.000 nhân dân tệ (khoảng 250 triệu đồng) – chưa bằng một phần ba tổng số tiền đã nộp. Công ty lý giải, theo hợp đồng, khi khách hàng yêu cầu chấm dứt trước thời hạn, chỉ được nhận lại phần "giá trị hoàn lại" – tức số tiền còn lại sau khi khấu trừ các chi phí bảo hiểm.
Không đồng ý với cách xử lý này, bà Hồng đã nộp đơn kiện công ty ra tòa. Tại phiên xử, tòa xác nhận rằng tư vấn viên Tiểu Quách – người trực tiếp ký hợp đồng với bà – đã nghỉ việc. Tuy nhiên, tại thời điểm giao dịch, người này là đại diện của doanh nghiệp, có trách nhiệm giải thích rõ ràng các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là các nội dung bất lợi đối với khách hàng.
Theo điều tra, Tiểu Quách đã không làm rõ điều khoản liên quan đến giá trị hoàn lại và có hành vi tư vấn sai lệch, khiến khách hàng hiểu nhầm về quyền lợi khi hủy hợp đồng.
Tòa án nhận định việc nhân viên bảo hiểm không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giải thích đã vi phạm quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm Trung Quốc – cấm hành vi tuyên truyền sai lệch và gây hiểu lầm trong quá trình bán sản phẩm.
Dựa trên các bằng chứng do bà Hồng cung cấp, tòa án phán quyết công ty bảo hiểm phải hoàn trả toàn bộ số tiền bà đã đóng. Số tiền hơn 79.000 tệ mà bà Hồng đã nhận trước đó sẽ được xem là khoản lãi phát sinh trong thời gian hợp đồng có hiệu lực.
Sau khi bản án được tuyên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc vẫn còn thắc mắc: Tiểu Quách vì lợi ích cá nhân mà làm sai hợp đồng, giờ đãi nghỉ việc, vậy chẳng phải công ty bảo hiểm đang "gánh họa" thay cho anh ta sao? Tại sao lời hứa của nhân viên lại có hiệu lực cao hơn hợp đồng?
Một số chuyên gia giải thích, hành vi của nhân viên này được toà coi là dùng hình thức tuyên truyền sai lệch hoặc gây hiểu nhầm để bán sản phẩm bảo hiểm. Dù hiện không còn là nhân viên của công ty, nhưng vào thời điểm ký hợp đồng, anh đại diện cho công ty và thực hiện hành vi trong phạm vi công việc. Theo luật, công ty vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó.
Vì vậy, việc Tiểu Quách đã nghỉ việc không thể là lý do để công ty từ chối hoàn trả toàn bộ phí bảo hiểm cho bà Hồng.
Câu chuyện của bà Hồng là lời cảnh báo đối với người tham gia bảo hiểm – rằng không nên chỉ dựa vào lời nói của tư vấn viên, mà cần đọc kỹ hợp đồng và yêu cầu giải thích rõ ràng các điều khoản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ, đặc biệt là điều kiện hoàn phí khi hủy hợp đồng.
Trong trường hợp phát hiện hành vi tư vấn sai lệch hoặc gây hiểu nhầm, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo Toutiao