Người phụ nữ lương 46 triệu đồng/tháng, không dính nợ xấu nhưng làm hồ sơ vay thế chấp 3,5 tỷ đồng để mua nhà vẫn bị ngân hàng từ chối: "Lỗi ở chồng chị"

Ánh Lê, Theo Đời sống & Pháp luật 09:22 15/04/2025
Chia sẻ

Vì chồng có nợ xấu nên hồ sơ vay thế chấp của người phụ nữ Trung Quốc đã bị ngân hàng từ chối.

Khoản vay thế chấp bị ngân hàng từ chối

Năm 2016, bà Vương, mẹ của chị Giang ở Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, muốn mua một căn nhà mới để dưỡng già. Vì đã quá tuổi được vay thế chấp nên bà cụ này đành chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà đang ở cho con gái và nhờ chị đứng tên làm hồ sơ vay thế chấp 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ đồng).

Vì bản thân đang việc tại một doanh nghiệp lớn, có mức lương 13.000 NDT/tháng (hơn 46 triệu đồng/tháng) và không có khoản vay ngân hàng nào nên chị Giang nghĩ rằng hồ sơ vay thế chấp của mình sẽ nhanh chóng được phía ngân hàng xét duyệt. Tuy nhiên không lâu sau đó, người phụ nữ này nhận được tin hồ sơ vay thế chấp của mình đã bị ngân hàng từ chối. Nguyên nhân được đối phương đưa ra là: “Do chồng chị có nợ xấu”.

Hóa ra, khi xem xét hồ sơ vay thế chấp của chị Giang, bên cạnh việc tra cứu thông tin tín dụng của chính người phụ nữ này, ngân hàng còn kiểm tra lịch sử giao dịch tín dụng của chồng chị Giang để làm người tham chiếu, chịu trách nhiệm liên đới khi người vay là chị không thể trả được nợ. Lúc này, ngân hàng phát hiện lịch sử tín dụng của chồng chị Giang có một khoản nợ tín dụng quá hạn mà chưa trả nên đã từ chối để chị vay tiền.

Nghe vậy, chị Giang thắc mắc: “Khoản vay thế chấp mua nhà là do tôi đứng tên chứ không phải chồng tôi, tại sao lịch sử tín dụng xấu của anh ấy lại ảnh hưởng đến tôi?”

Chồng bị nợ xấu thì vợ có vay ngân hàng được không?

Về vấn đề này, phía ngân hàng liên quan cho biết nếu một trong hai vợ chồng vướng nợ xấu thì nhiều khả năng người còn lại cũng sẽ không được các ngân hàng xem xét, quyết định cho vay.

“Các khoản nợ do một bên đứng tên trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc, được coi là nợ chung của vợ chồng và phải được cả hai vợ chồng cùng trả. Khoản vay của chị Giang là nợ chung của hai vợ chồng, do đó chồng chị cũng là người đồng vay. Vì vậy, nếu lịch sử tín dụng của chồng có nợ xấu thì khả năng hồ sơ vay của vợ bị ngân hàng từ chối là rất cao. Trường hợp của vợ chồng chị Giang ứng với tình huống này ”, phía ngân hàng cho biết.

Người phụ nữ lương 46 triệu đồng/tháng, không dính nợ xấu nhưng làm hồ sơ vay thế chấp 3,5 tỷ đồng để mua nhà vẫn bị ngân hàng từ chối: "Lỗi ở chồng chị"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet


Sau khi nghe phía ngân hàng giải thích, dù rất bức xúc khi không thể vay tiền để mẹ mua nhà nhưng chị Giang cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận sự thật.

Theo quy định của Luật Hôn nhân Trung Quốc, về nguyên tắc, các khoản nợ hình thành trước khi kết hôn là nợ cá nhân, được trả bằng tài sản cá nhân; các khoản nợ hình thành trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung của vợ chồng, được trả bằng tài sản chung của vợ chồng. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, việc vay vốn ngân hàng là nợ chung của vợ chồng, và bất động sản mua bằng khoản vay đó cũng là tài sản chung của vợ chồng.

Khi xét duyệt hồ sơ vay của các cá nhân, ngân hàng thường sẽ xem xét khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu ngân hàng cho những khách hàng có lịch sử nợ xấu, họ sẽ phải gánh chịu rủi ro rất lớn. Vì vậy, trường hợp chồng có lịch sử tín dụng xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc vợ vay vốn.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc cho biết, trong những năm gần đây, những trường hợp thành viên gia đình có lịch sử tín dụng xấu ảnh hưởng đến việc vay vốn của gia đình xảy ra khá thường xuyên. Ví dụ, tại một ngân hàng thương mại ở Phật Sơn, có một khách hàng chưa từng có thẻ tín dụng hay khoản vay nào, muốn xin vay tại ngân hàng này. Tuy nhiên, vợ/chồng của khách hàng này đã có một khoản vay 2 năm trước và do không nắm rõ ngày trả nợ nên lịch sử tín dụng có ghi nhận nợ xấu. Tương tự, do ảnh hưởng của vợ/chồng, khách hàng này đã không thể vay vốn tại ngân hàng.

Ngoài ảnh hưởng đến vợ/chồng, lịch sử tín dụng xấu của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến con cái. Tại một ngân hàng có chi nhánh Phật Sơn, một nam thanh niên 25 tuổi mới đi làm, dự định vay tiền để mua một căn hộ. Nam thanh niên này có lịch sử tín dụng tốt nhưng do thu nhập hàng tháng không đủ để trả khoản vay nên cần bổ sung cha mẹ làm người đồng vay.

Trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn, ngân hàng phát hiện lịch sử tín dụng của cha mẹ nam thanh niên này có khoản vay trả chậm liên tục gần 2 năm, thuộc trường hợp trả chậm nghiêm trọng. Do lịch sử tín dụng xấu của cha mẹ, cuối cùng đơn xin vay của nam thanh niên này đã không được duyệt.

Trên thực tế, tại Trung Quốc, việc có lịch sử thanh toán không rõ ràng sẽ tạo ra một dấu hiệu không tốt cho độ tin cậy của người vay, khiến cho các ngân hàng lo ngại rủi ro khi cho vay. Trường hợp ngân hàng chấp nhận khoản vay khi bạn có lịch sử nợ xấu thì tỷ lệ lãi suất cho vay cũng sẽ cao hơn so với lãi suất của những người có điểm tín dụng tốt; hoặc bạn sẽ bị đặt giới hạn và điều kiện khắt khe khi cho vay.

Ngoài việc ảnh hưởng đến việc đăng ký thẻ tín dụng và vay vốn, lịch sử nợ xấu cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tìm việc làm. Hiện nay, một số công ty lớn ở Trung Quốc yêu cầu người tìm việc cung cấp cả báo cáo tín dụng cá nhân. Do đó, để đảm bảo tín dụng tốt, mọi người nên tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản như đảm bảo trả nợ đúng hạn, giảm thiểu các khoản nợ và giữ một lịch sử thanh toán tốt. Có như vậy, chúng ta mới có thể tránh được những rủi ro không mong muốn.

Theo Finance.cnr.cn

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày