Bỏ hơn 300 triệu đồng mua bảo hiểm nhân thọ, nữ nhân viên văn phòng được thông báo: “Đến 60 tuổi, chị vẫn được quyền lợi bảo vệ 2 tỷ đồng”

Mai Anh (ghi), Theo An ninh tiền tệ 10:18 16/04/2025
Chia sẻ

Thời gian đóng phí bảo hiểm chỉ kéo dài 10 năm nhưng đến khi 60 tuổi, nữ nhân viên văn phòng vẫn được quyền lợi bảo vệ 2 tỷ đồng trong trường hợp xảy ra sự cố rủi ro.

Đầu năm 2025, khi bước sang tuổi thứ 35, tôi quyết định mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tôi lựa chọn mua bảo hiểm vào thời điểm này vì tôi đã có nhà cửa ổn định, thu nhập vững vàng và đủ khả năng để duy trì việc đóng phí bảo hiểm hàng năm. Tôi đã có gia đình, hiện sống với chồng và 2 con nhỏ. Tôi đang là nhân viên văn phòng cho công ty truyền thông lớn.

Lý do tôi chọn bảo hiểm nhân thọ là vì tôi nghĩ rằng đây là một cách để dự phòng cho tương lai. Trong cuộc sống hiện tại, những rủi ro không thể lường trước như tai nạn, bệnh tật hoặc tử vong. Với hợp đồng này, tôi mong muốn bảo vệ gia đình mình trong trường hợp hy hữu xảy ra sự cố về mặt tài chính.

Theo tư vấn của nhân viên bảo hiểm, tôi lựa chọn một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn đóng phí 10 năm. Mỗi năm tôi đóng khoảng 30 triệu đồng và có thể đóng phí theo quý hoặc năm. Trong trường hợp xảy ra sự cố như tử vong, các con tôi sẽ được thụ hưởng số tiền lên đến 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều khiến tôi khá bất ngờ là khi nhân viên bảo hiểm cho tôi biết rằng: Sau khi kết thúc 10 năm đóng phí, hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục có giá trị nếu tôi không rút tiền về. Theo quy định của công ty, bảo hiểm sẽ có giá trị bảo vệ trong 25 năm. Như vậy, sau 10 năm đóng hơn 300 triệu đồng, tôi không cần phải đóng phí nữa, nhưng quyền lợi bảo vệ vẫn được duy trì đến năm tôi 60 tuổi, với số tiền bảo vệ vẫn là 2 tỷ đồng.

Để được hưởng quyền lợi này, điều kiện là tài khoản trong hợp đồng vẫn phải duy trì được số tiền. Mỗi năm, tài khoản hợp đồng của tôi sẽ bị trừ đi các khoản chi phí, và nếu không chú ý, số tiền trong tài khoản sẽ giảm dần. Theo tư vấn của nhân viên bảo hiểm, các khoản phí trong hợp đồng bao gồm như phí ban đầu. Đây là khoản phí được trừ từ phí bảo hiểm cơ bản và phí bảo hiểm bổ sung trong những năm đầu. Mức phí này có thể lên tới 75% đối với phí cơ bản và 9% đối với phí bổ sung trong năm đầu tiên. Sau năm thứ 6, mức phí này sẽ giảm dần, chỉ còn 3% và 2% từ năm thứ 6 trở đi.

Thứ hai là phí quản lý hợp đồng. Đây là khoản phí trừ từ tài khoản hợp đồng để duy trì hợp đồng bảo hiểm và các dịch vụ liên quan. Mức phí này sẽ tăng dần theo thời gian. Trong 10 năm đầu, mức phí này sẽ từ 29 nghìn đồng/tháng lên 57 nghìn đồng/tháng. Từ năm thứ 10 trở đi, mức phí này có thể giữ cố định ở mức 60 nghìn đồng/tháng. Mức phí này tùy thuộc vào từng thời điểm.

Thứ ba là phí bảo hiểm rủi ro. Khoản phí này được trừ hàng tháng nhằm bảo vệ quyền lợi khi gặp phải các sự cố không may như bệnh tật hoặc tai nạn. Mức phí này sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp của người tham gia bảo hiểm. Dĩ nhiên, khi tôi càng nhiều tuổi, mức phí này sẽ tăng lên.

Thứ tư là phí quản lý quỹ. Đây là chi phí duy trì hoạt động đầu tư và quản lý quỹ của công ty bảo hiểm. Mức phí này không vượt quá 2% giá trị tài khoản hợp đồng mỗi năm.

Trên đây là một số khoản phí cơ bản. Như vậy, nếu đến 25 năm sau, khi tôi 60 tuổi, tài khoản hợp đồng còn tiền, tôi vẫn sẽ tiếp tục được bảo vệ. Số tiền này sẽ tiếp tục bị bào mòn qua các năm, nhưng đổi lại, quyền lợi của tôi vẫn được bảo đảm. Nhưng trong trường hợp tôi rút tiền sau 10 năm đóng phí, quyền lợi bảo vệ sẽ không có giá trị. Ngoài ra, nếu tôi rút tiền về, tư vấn viên cũng cho biết, có thể số tiền thu về sẽ không bằng tổng số tiền đã đóng do bị trừ các phí.

Thêm nữa, tôi có thể lựa chọn tiếp tục hợp đồng ở thời điểm hiện tại hoặc có thể đưa ra quyết định này vào 10 năm sau. Ngoài ra, tôi có thể chỉnh tăng hoặc giảm phí đóng bảo hiểm tùy theo tài chính cá nhân của mình trong thời gian tham gia bảo hiểm. Thông tin của tư vấn viên cung cấp rất đầy đủ giúp tôi hiểu rõ quyền lợi và số tiền mà mình sẽ đóng.

Tôi nghĩ việc quyết định mua bảo hiểm nhân thọ hay không phụ thuộc vào mỗi người. Nhưng theo tôi, các bạn hãy cân nhắc và hỏi kỹ các quyền lợi, khoản phí bị hao mòn, khoản phí phải đóng,… trước khi đưa ra quyết định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày