T.H (25 tuổi, Long An) là một nhân viên văn phòng tại một công ty logistic nhỏ, nhận lương thực nhận khoảng 13 triệu/tháng. Đáng nói, dù có mức lương chưa phải quá cao nhưng tháng nào cô nàng cũng trích riêng một khoản để dành mua vàng.
T.H chia sẻ về cách phân bổ chi tiêu của mình: “Mình đang sống cùng bố mẹ, cách công ty khoảng 30 phút chạy xe. Mỗi tháng, mình đều chia thu nhập thành khoản rõ ràng. Đầu tiên, mình đưa bố mẹ 5 triệu đồng. Đây không phải tiền mình nhờ giữ hộ, mà là tiền mình góp để lo tiền ăn uống, điện nước và một số chi phí sinh hoạt chung của gia đình.
Tiếp theo, mình để ra 3 triệu đồng cho chi phí cá nhân. Khoản này bao gồm tiền xăng xe, ăn uống ngoài giờ làm, mua quần áo, mỹ phẩm hoặc đồ dùng lặt vặt. Mình đổ xăng khoảng 150 ngàn đồng/tháng, vì công ty mình gần, bình xăng đầy đi được cả tuần. Mình ăn trưa ở công ty, mỗi bữa có 25 ngàn đồng, nên tiền ăn ngoài chủ yếu là cuối tuần đi cà phê với bạn, mỗi lần hết tầm 50-100 ngàn đồng. Nếu muốn mua quần áo hay mỹ phẩm, mình sẽ đợi giảm giá hoặc chọn hàng bình dân, kiểu 200 - 300 ngàn đồng là đủ xài.
Còn 5 triệu, mình dành để tiết kiệm và mua vàng. Cứ 2 tháng, mình gom 10 triệu để mua 1 chỉ vàng. Nếu tháng nào có thưởng hoặc làm thêm, mình để dư ra một ít cho quỹ dự phòng”.
Ảnh minh hoạ
Sống cùng gia đình là một lợi thế lớn giúp T.H tiết kiệm được nhiều chi phí. "Nếu ở trọ, chắc mình tốn ít nhất 3-4 triệu đồng mỗi tháng cho tiền nhà và ăn uống. Ở với bố mẹ, mình không lo tiền thuê, cơm nhà lúc nào cũng sẵn, nên mình tiết kiệm được kha khá. Mỗi lần bố mẹ hỏi có cần gì không, mình chỉ cười bảo ‘Con ổn, để con lo được’."
Để đảm bảo không tiêu vào khoản tiết kiệm, T.H có thói quen chuyển 5 triệu đồng vào một tài khoản riêng ngay khi nhận lương. "Mình gọi là ‘tài khoản vàng’. Mỗi lần nhìn số tiền trong đó tăng lên, mình thấy lạc quan lên, kiểu như mình đang tiến gần hơn đến mục tiêu tích lũy."
Cô nàng cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc chi tiêu ít không làm cô cảm thấy thiệt thòi. "Mình không hay chạy theo xu hướng, kiểu điện thoại mới ra hay túi xách xịn. Với mình, miễn là đồ dùng được, hợp túi tiền là được. Nhờ vậy mà mình không bị áp lực phải xài nhiều tiền”.
T.H bắt đầu mua vàng từ năm 23 tuổi, sau khi nghe một người chị đồng nghiệp chia sẻ rằng vàng là cách giữ tiền tốt hơn so với để không trong ngân hàng. Tính đến nay, cô nàng đã tích lũy được 12 chỉ vàng, một thành quả không quá lớn song được cô coi làm đảm bảo cho các tình huống xấu xảy ra.
“Mình không rành về đầu tư nên mua vàng với mình đơn giản là để tích luỹ. Mình chỉ mua vàng miếng hoặc nhẫn trơn, vì loại này dễ bán lại mà không mất giá nhiều. Mình hay đến tiệm vàng lớn gần nhà, lúc nào cũng kiểm tra hóa đơn và cân vàng cẩn thận.
Mình không cố đoán giá vàng lên hay xuống, vì mình thấy khó lắm. Thay vào đó, mình mua đều đặn 2 tháng một lần. Có tháng giá vàng cao, mình hơi xót, nhưng nghĩ dài hạn thì vàng vẫn giữ giá trị tốt hơn trong lạm phát. Quan trọng là mình phải giữ thói quen, chứ không chờ đợi mãi."
Ảnh minh hoạ
T.H cũng có cách bảo quản vàng an toàn. "Mình cất vàng trong két sắt của bố mẹ, chỉ mình và mẹ biết chỗ đó thôi. Mình không bao giờ khoe với ai, vì vàng dễ gây chú ý. Mỗi lần lấy ra kiểm tra, thấy mấy chỉ vàng nằm gọn ghẽ và biết có vàng trong người, mình vui lắm, kiểu như mình đã làm được một việc lớn."
Cô nàng chia sẻ thêm: "Nếu muốn mua vàng mà chưa đủ tiền, mình hay chia nhỏ ra. Ví dụ, tháng này mua nửa chỉ, tháng sau mua tiếp nửa chỉ. Cách này giúp mình không bị áp lực phải gom một lúc quá nhiều tiền."
Để có tiền mua vàng đều đặn, T.H đã rèn luyện lối sống tiết kiệm nhưng không khắc khổ. "Mình không phải kiểu người không dám tiêu gì, nhưng mình luôn nghĩ kỹ trước khi mua. Ví dụ, mình thích túi xách, nhưng thay vì mua hàng hiệu, mình chọn túi vài trăm nghìn mà kiểu dáng đẹp. Mỗi năm mình chỉ sắm 2-3 cái túi, vài bộ đồ mới, còn lại mix đồ cũ cho tiết kiệm."
Gia đình cũng là nguồn động lực lớn của T.H. "Bố mẹ mình không ép, nhưng luôn nhắc mình sống có kế hoạch. Có lần mình định mua điện thoại mới, mẹ hỏi ‘Con xài cái cũ còn tốt không?’. Mình nghĩ lại, thấy chưa cần thật, nên để tiền mua vàng. Nhờ bố mẹ mà mình giữ được kỷ luật.
Mình mong muốn còn tiết kiệm được nhiều vàng hơn. Mình mong muốn trước khi kết hôn có thể đổi vàng lấy bất động sản để có tài sản riêng. Không phải chỉ những lúc gặp khó khăn rồi bạn mới cần ý thức tầm quan trọng của tiết kiệm. Với mình, có vàng là thêm vững tâm vào cuộc sống. Con người muốn vui thì có thể sống tận hưởng, nhưng với mình là có vàng trong người, có an tâm trước các rủi ro tài chính mới là thứ quan trọng nhất”, cô nàng bộc bạch.