Vì sao đóng cả trăm triệu tiền bảo hiểm nhân thọ, khi chấm dứt hợp đồng rút lại chỉ vài chục triệu?

Mai Anh, Theo An ninh tiền tệ 21:43 10/04/2025
Chia sẻ

Trong những năm gần đây, bảo hiểm nhân thọ được nhiều người lựa chọn như một giải pháp tài chính dài hạn, kết hợp giữa bảo vệ và tiết kiệm.

Trong những năm gần đây, bảo hiểm nhân thọ được nhiều người lựa chọn như một giải pháp tài chính dài hạn, kết hợp giữa bảo vệ và tiết kiệm. Tuy nhiên, không ít người giật mình khi sau nhiều năm đóng bảo hiểm với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, lúc cần rút lại chỉ nhận về vài chục triệu và thậm chí chỉ hơn 10 triệu đồng.    

Nguyên nhân chính khiến cho số tiền sau khi rút hợp đồng chỉ còn rất thấp là do nhiều khoản phí "bào mòn" tổng số tiền mà người mua bảo hiếm đóng. Các khoản phí này được quy định trong hợp đồng nhưng thực tế rất ít người đọc.

Đầu tiên là phí chấm dứt hợp đồng. Theo quy định của nhiều công ty bảo hiểm, nếu người tham gia chấm dứt hợp đồng trước hạn, họ sẽ phải chịu phí chấm dứt hợp đồng rất cao.

Phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được hiểu khoản phí nên mua bảo hiểm phải chịu khi yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tùy thuộc vào Năm hợp đồng và là tỷ lệ phần trăm trên giá trị trung bình của Phí bảo hiểm cơ bản quy năm của 12 (mười hai) tháng liên kề trước đó.

Ví dụ như người mua hợp đồng bảo hiểm 10 năm, phí chấm dứt hợp đồng thông thường sẽ được quy định như sau. Từ năm thứ 1 đến năm thứ 3, phí chấm dứt hợp đồng là 90%. Năm thứ 4 đến thứ 6, phí chấm dứt hợp đồng là 75%. Năm thứ 7 đến 9, phí chấm dứt hợp đồng lên tới 60% đến 20%. Chỉ từ năm thứ 10 trở đi, phí chấm dứt hợp đồng mới là 0%. Mức phí này có sự chênh lệch tùy thuộc vào thời gian của hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài phí chấm dứt, hợp đồng bảo hiểm còn áp dụng phí bảo hiểm rủi ro (hay còn gọi là phí bảo vệ) – là khoản tiền trừ định kỳ để công ty bảo hiểm duy trì quyền lợi chi trả nếu người tham gia gặp rủi ro (tử vong, bệnh nặng...).

Phí này được trừ hàng tháng trực tiếp từ tài khoản hợp đồng và tăng dần theo độ tuổi và mức bảo vệ. Ví dụ, với số tiền đóng mỗi năm 20 triệu, phí rủi ro có thể lên đến hơn 2 triệu/năm.

Ngoài hai loại phí trên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn có nhiều khoản phí khác như: Phí quản lý hợp đồng: trừ hàng tháng để duy trì hệ thống quản lý. Phí quản lý quỹ: tối đa 2%/năm giá trị tài khoản hợp đồng. Phí cho thẻ bảo hiểm sức khỏe đi kèm hoặc phí rủi ro cho sản phẩm bổ sung như bảo hiểm bệnh hiểm nghèo…

Tổng cộng, các khoản phí này nếu cộng dồn qua từng năm có thể chiếm tỷ lệ đáng kể trong số tiền người mua bảo hiểm đã nộp.

Đây là lý do nếu rút trước hạn, tổng số tiền đã nộp có thể lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng khi rút về chỉ có hơn 10 triệu đồng là điều hoàn toàn xảy ra. Trong nhiều trường hợp, sau vài năm, phí rủi ro cùng các khoản phí khác có thể ăn mòn gần hết số tiền tích lũy, khiến giá trị hoàn lại giảm dần.

Nếu người mua bảo hiểm nhân thọ muốn chấm dứt hợp đồng nên thực sự phải cân nhắc kỹ. Người mua hãy liên hệ với nhân viên tư vấn để tìm giải pháp khác.

Hiện nay, một số công ty bảo hiểm cho phép người mua bảo hiểm được tạm dừng đóng phí kể từ năm thứ 4 nhưng vẫn được giữ nguyên quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự cố như tử vọng. Hoặc người mua có thể chuyển sang hình thức linh hoạt: đóng ít hơn hoặc không đóng tạm thời, chỉ cần duy trì mức tối thiểu để không mất hiệu lực.

Trước khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ, người mua cần dành thời gian tìm hiểu kỹ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các loại phí như phí chấm dứt hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng và phí cho các sản phẩm bổ sung. Người mua cũng cần cân nhắc kỹ khả năng tài chính cá nhân trong dài hạn, vì bảo hiểm nhân thọ là một cam kết tài chính kéo dài từ 10–20 năm, không phù hợp với mục tiêu ngắn hạn hoặc kỳ vọng sinh lời nhanh.

Nếu đang trong hợp đồng, người tham gia cũng nên thường xuyên rà soát thông tin định kỳ, nắm rõ quyền linh hoạt tạm dừng đóng phí nếu cần thiết thay vì vội vàng hủy bỏ hợp đồng, dẫn đến thiệt hại lớn. Quan trọng nhất, hãy xem bảo hiểm như một phần trong kế hoạch tài chính tổng thể, chứ không phải sản phẩm đầu tư thuần túy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày