Giữ hộ em trai 700 triệu đồng nhưng nhất quyết không trả ngay, lý do được tiết lộ khiến dân mạng tranh cãi

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 19:42 14/04/2025
Chia sẻ

Câu chuyện này hiện đang khiến cộng đồng mạng chia làm 2 phe.

Nhắc đến những mâu thuẫn trong hôn nhân, chúng ta thường nghĩ ngay tới 2 vấn đề: Một là những bất đồng trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, hai là những khúc mắc trong vấn đề quản lý chi tiêu giữa vợ và chồng. 

Đó là những vấn đề phổ biến mà không ít người gặp phải với tư cách một người vợ, một người con. 

Mới đây, cộng đồng mạng lại được một phen bàn luận rôm rả sau khi nghe chia sẻ của một người phụ nữ, không phải về những bất đồng với chồng hay với mẹ chồng, mà vấn đề cốt lõi là mối quan hệ chị chồng - em dâu. Với tư cách là chị chồng, cô nhất quyết không muốn trả cho em trai 700 triệu đang giữ hộ vì… sợ em dâu tiêu hoang.

Dân mạng tranh cãi rôm rả: Người bảo “cũng có lý”, người lắc đầu kêu “hoảng sợ”!

Tâm sự của người chị chồng này như sau: “Em trai mình gửi mình giữ giúp 1 số tiền. Nay em mình mới cưới vợ, mình có đưa lại cho vợ chồng em trai 1 ít, phần còn lại mình có nói là mấy anh chị em trong gia đình mượn chưa trả, khi nào trả mình đưa sau, nhưng thực tế là mọi người đã trả hết rồi, do em dâu mới về và cũng chưa đủ độ tin tưởng, mình sợ đưa hết thì sau này, nếu có gì em trai mình không còn vốn liếng làm ăn, vì đây là khoản tiền em mình dành dụm vất vả mới có được. 

Giữ hộ em trai 700 triệu đồng nhưng nhất quyết không trả ngay, lý do được tiết lộ khiến dân mạng tranh cãi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hiện nay em mình đang thất nghiệp, lương em dâu bao nhiêu mình không biết, nhưng mình thấy em dâu tiêu xài rất sang. Em dâu có thể mua 1 cái áo, 1 cái quần vài ba triệu, 1 bộ mỹ phẩm tiền triệu là bình thường, ăn uống rất lãng phí, hay gọi ship dù nhà mình ở quê. Mình thấy em dâu chưa biết dành dụm, vun vén cho gia đình. 

Xin mọi người góp ý xem mình nên làm thế nào cho phải. Hiện tại mình còn giữ tầm hơn 700 triệu của em trai. Để không thì sợ phí, mà sắm vàng thì sợ vàng xuống mình không biết lấy gì bù lại cho em, đưa cho vợ chồng em thì không yên tâm vì em trai mình rất khờ, tiền bạc vợ em quản lý… mà do mới cưới còn mới mẻ mình cũng chưa biết tính tình em dâu như thế nào. Mình tính vài năm nữa cũng sẽ đưa cho vợ chồng em. Nhờ mọi người cho mình xin ý kiến với ạ. Mình chân thành cảm ơn”.

Trong phần bình luận của bài đăng này, cộng đồng mạng chia làm 2 phe: Một bên khen người chị hết lời, cho rằng cô làm vậy là đúng, cũng là lo cho em trai thôi chứ không phải tham tiền của em nên chẳng có gì đáng trách. Một bên thì ra sức phản đối vì cho rằng “con gái đi lấy chồng mà gặp người chị chồng thế này thì chắc cũng… khó sống”.

“Mình thấy bà chị này rất lo cho em trai nha. Chị ấy cũng có lấy tiền của em trai đâu mà sao nhiều người phản đối kinh tế. Đấy là tiền trước cưới mà nhiều người cứ làm như chị chồng cướp làm của riêng không bằng. Nói ra lại tự ái chứ nhiều người đi lấy chồng cũng có biết quản lý chi tiêu đâu, nên chị này không trả em trai 700 triệu bây giờ là đúng! Đợi vài năm nữa xem em dâu với em trai thế nào rồi trả cũng không muộn, người ta cũng bảo là sẽ trả mà!” - Một người đứng về phía người chị trong câu chuyện.

“Đọc bài này của chị em mới thấm thía câu giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Đọc thấy chị soi mói người ta kĩ ghê. Ai làm em dâu chị chắc áp lực lắm vì suốt ngày bị soi mói. Chị thấy người ta mua quần áo mỹ phẩm tiền triệu, chị phán xét. Chứ sao chị không nghĩ là em dâu chị kiếm cũng vài chục triệu hoặc trăm triệu 1 tháng đi? Trong khi em trai chị còn đang chưa có công việc?” - Một người phản đối lối suy nghĩ của người chị trong câu chuyện này.

“Bạn giữ tiền của em để làm gì? Việc bạn sợ vợ em lấy mất, tiêu hết, mua sắm phung phí là lo ngại chủ quan, nếu thật sự có lý do thì nên nói rõ với em trai chứ không nên giữ mà không giải thích. Cá nhân mình thì nghĩ bạn nên trả lại cho em vì em nó đã có gia đình riêng, coi như là nó lớn rồi. Nó tự chịu trách nhiệm về tài sản của riêng nó chứ” - Một người đưa ra quan điểm trung lập.

Thấy được gì từ cuộc tranh cãi này?

Tiền bạc vốn đã là chuyện khó nói, đặt nó vào vấn đề tình cảm lại càng khó phân định đúng - sai. Chị em trong gia đình muốn giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau là chuyện bình thường, không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, ai cũng cần phải lớn lên, phải trưởng thành và tự đưa ra quyết định cho những vấn đề trong cuộc sống của mình, bao gồm cả chuyện tiền bạc. 

Giữ hộ em trai 700 triệu đồng nhưng nhất quyết không trả ngay, lý do được tiết lộ khiến dân mạng tranh cãi- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng vấn đề cần đặt ra có lẽ nên là: Làm sao để giúp em có kiến thức về tiền bạc cũng như tư duy tài chính, thay vì “thấy em khờ nên giữ tiền của em vì lo em dâu tiêu hoang”. 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra: Nỗ lực tìm hiểu kiến thức về tiền bạc có thể cải thiện tình hình tài chính một người.

Lusardi - Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford (Mỹ) khẳng định: “Việc hiểu biết về tài chính có vai trò vô cùng quan trọng.

Chỉ số Tài chính Cá nhân của Viện TIAA-GFLEC, được thực hiện hàng năm kể từ năm 2017, bao gồm các câu hỏi để đánh giá kiến thức tài chính cơ bản của người trả lời cũng như các câu hỏi về thói quen tiền bạc và hạnh phúc cá nhân của họ.

Kết quả cho thấy người tiêu dùng đạt điểm cao trong các câu hỏi về kiến thức tài chính ít gặp khó khăn hơn so với những người có điểm thấp khi gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống trong một tháng” .

Hensley - Chuyên gia tại Quỹ Giáo dục Tài chính (Mỹ) nhận định: Mọi người có xu hướng áp dụng nhanh các kiến thức tài chính mới tìm được, mà không tự tìm hiểu và xác minh thông tin, xem kiến thức đó có đúng hay không. Điều này khá tai hại.

Hensley nói: “Hành động hay sự tự tin đều cần đi kèm sự hiểu biết, đặc biệt là với các khoản đầu tư hay các khoản chi lớn”.

Sau đó, bà chỉ ra 3 bước mà một người nên làm để bổ sung kiến thức tài chính vào kho tàng hiểu biết của mình.

Nói về tiền bạc: Bạn nên trò chuyện với bạn bè, người thân (bố mẹ, bạn đời) về chuyện tiền bạc nói chung. Thời điểm bạn bắt đầu cởi mở nói chuyện với người khác về các quyết định tài chính, những điều bạn đang băn khoăn trong chủ đề tiền bạc,... là biểu hiện đầu tiên của việc cởi mở tiếp thu kiến thức tài chính. Sự cởi mở học hỏi là yếu tố rất quan trọng. Bạn không thể học tốt nếu trong đầu bạn đang giữ quá nhiều định kiến.

Tìm kiếm lời khuyên: Nhiều người cho rằng hiểu biết về tài chính có nghĩa là tự mình phải tìm hiểu mọi thứ nhưng đây là quan niệm sai lầm theo quan điểm của Hensley. Bạn cần biết tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thành công trong vòng tròn mối quan hệ hiện có. Việc này có thể giúp bạn trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tiến bộ nhanh hơn so với việc tự mày mò.

Lập kế hoạch: Đây là bước bạn áp dụng các lời khuyên/kiến thức tài chính bản thân đã học được vào thực tiễn. Bạn cần đặt ra một mốc thời gian và các bước cụ thể để giải quyết vấn đề tài chính của bản thân, ví dụ như kế hoạch trả nợ, kế hoạch tiết kiệm theo tháng/quý/năm,...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày