Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là viêm đột ngột của tuyến tụy, bệnh biểu hiện và diễn biến phức tạp từ mức độ nhẹ chỉ cần nằm viện ngắn ngày, ít biến chứng đến nặng, có nguy cơ tỷ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng.
Tuyến tụy là một tuyến lớn nằm trong ổ bụng, chúng có vai trò quan trọng trong việc tiết ra các men hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết của cơ thể. Bình thường, chúng tiết các men dưới dạng chưa hoạt động (tiền men) và chỉ có tác dụng sau khi được hoạt hoá ở tá tràng, nhưng quá trình này thay đổi các men tụy gây tổn thương chính tuyến tụy gây nên bệnh cảnh viêm tụy cấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp như: do uống rượu bia, do tình trạng tăng mỡ máu, do bị sỏi mật gây tắc nghẽn, do chấn thương dập vùng tụy, do rối loạn chuyển hóa, do mắc các bệnh tự miễn… Tuy nhiên, có khoảng 10-15% các trường hợp là không tìm thấy nguyên nhân gây viêm tụy cấp.
Thông thường, một bệnh nhân mắc viêm tụy cấp sẽ có những biểu hiện như:
Đau bụng: cơn đau xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thượng vị, đau dữ dội và kéo dài, cảm giác đau có thể lan từ bụng ra sau lưng, đau tăng hơn khi ăn. Đặc biệt, cơn đau thường xuất hiện sau những bữa ăn thịnh soạn, những bữa ăn nhiều chất béo, sau khi uống nhiều rượu bia.
Nôn, buồn nôn: người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn nhiều, nôn liên tục và sau nôn không thấy đỡ đau
Còn đối với những trường hợp bị biến chứng có thể gặp các triệu chứng như: Sốt, khó thở, đau ngực, tiểu ít, tụt huyết áp…
Viêm tụy cấp nếu không điều trị kịp thời có thể diễn biến nhanh và phức tạp, dẫn đến các biến chứng nặng như tụ dịch quanh tụy, nang giả tụy, hoại tử tụy, và nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh có thể gây suy thận cấp, viêm phổi, ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng người lớn), và làm nặng thêm các bệnh lý nền tim mạch, hô hấp khác. Biến chứng nguy hiểm nhất là suy đa cơ quan, với các dấu hiệu điển hình gồm: trụy mạch, suy hô hấp, suy gan, suy thận, và rối loạn đông máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều trị và dự phòng viêm tụy cấp như thế nào, có khó không?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có lựa chọn kế hoạch điều trị khác nhau, nhưng phần lớn bệnh nhân viêm tụy cấp cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát diễn biến bệnh. Viêm tụy cấp thường ổn định sau 5-10 ngày điều trị, trừ trường hợp bệnh rất nặng cần điều trị kéo dài hơn và nằm ở đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU: Intensive care unit).
Viêm tụy cấp nhẹ chỉ cần điều trị hỗ trợ bằng nhịn ăn tạm thời, hồi sức truyền dịch, dinh dưỡng, dùng thuốc giảm đau,.... sau khi tình trạng đau bụng, buồn nôn giảm thì chuyển sang dinh dưỡng bằng đường miệng với trình tự: nước đường, cháo đường, cơm nhão rồi cơm bình thường. Chú ý kiêng sữa, mỡ, béo. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, có thể tiến hành nuôi ăn qua đường miệng sớm, 24 – 72 giờ sau nhập viện.
Trong 24 giờ đầu nhập viện, người bệnh tạm nhịn ăn để tuyến tụy nghỉ ngơi, tránh kích thích.
Với những bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng có biến chứng như nhiễm trùng hoại tử tụy hoặc nang giả tuỵ, có thể cần can thiệp ngoại khoa như dẫn lưu dịch nang giả tụy, hoặc ổ mủ hoại tử tụy hoặc phẫu thuật nội soi được chỉ định. Một số trường hợp bị viêm tụy cấp phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) do diễn tiến nghiêm trọng, gây suy đa cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, suy gan, suy thận.
Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không phát hiện và điều trị sớm. Để phòng ngừa, mọi người cần hạn chế uống rượu bia, kiểm soát chế độ ăn hợp lí: chế độ ăn giảm tinh bột, đường, chất béo, tập thể dục, kiểm soát cân nặng tránh thừa cân, béo phì,... và đặc biệt là khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 năm hoặc khám bệnh ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.