Những biểu hiện cho thấy bạn đã bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau. Phổ biến nhất là đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy… Một số trường hợp có thể thấy máu trong phân hoặc chất nôn. Lúc này cơ thể của bệnh nhân rất yếu ớt, mệt lả và đi kèm với triệu chứng sốt, đau đầu, choáng váng, chóng mặt, ớn lạnh và rùng mình, đau khớp và cơ.
Nếu bị nhiễm độc nặng thì bệnh nhân sẽ thấy những biểu hiện trầm trọng hơn như cảm giác khát nước nhiều, môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo, mạch nhanh… Đặc biệt có người gặp tình trạng tay chân lạnh, liên tục nôn ói và sốt cao kéo dài.
Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể phát sinh trong vòng vài phút, vài giờ thậm chí sau vài ngày sau khi bệnh nhân ăn phải thực phẩm có ‘độc’.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm
Tết là một kỳ nghỉ tương đối dài, cộng với tâm lý ‘ăn Tết’ nên hầu như người nội trợ nào cũng có phản xạ sắm sửa một lượng lớn thực phẩm cho một cái Tết no đủ. Số lượng thực phẩm khá lớn này thường được bảo quản trong tủ lạnh, tủ đông và đa số chúng ta tin rằng, đó là môi trường lưu giữ thực phẩm lý tưởng. Thế nhưng, điều đó chưa đủ. Đa phần chúng ta phạm phải một số sai lầm trong bảo quản thực phẩm.
Để chung thực phẩm đã chế biến với chưa chế biến
Đây là một trong các sai lầm phổ biến mà nhiều người thường gặp phải khi bảo quản thực phẩm. Với thực phẩm đã chế biến, bạn cần để nguội, đóng hộp kín rồi sau đó phân riêng khu vực lưu trữ với các thực phẩm chưa chế biến. Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng nhiễm khuẩn chéo cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm.
Không để thức ăn vào hộp hay túi kín khi cho vào tủ lạnh
Trong môi trường lạnh nhẹ, vừa phải của ngăn mát, một số loại vi khuẩn vẫn có thể sinh sôi và phát triển. Vì vậy, nếu có thói quen cho thẳng thức ăn vào tủ lạnh mà không đóng hộp hay bọc vào túi kín thì bạn cần phải thay đổi ngay lập tức. Bởi vì thói quen này ngoài việc khiến cho tủ lạnh có mùi hôi khó chịu thì cùng lúc đó chất lượng thực phẩm cũng bị suy giảm và ảnh hưởng đáng kể.
Ngoài ra, thức ăn đã nấu chín để lâu trong tủ lạnh cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Thực phẩm chưa chế biến nhưng lưu trữ lâu cũng dễ biến chất và phát sinh các chất độc hại, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngày tết .
Cấp đông các loại thực phẩm không đúng cách
Đông lạnh thức ăn được xem là một trong các cách bảo quản thực phẩm tối ưu và hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng có thể cho vào ngăn đá. Và nếu như đông đá không đúng cách, bạn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm và gây hại đến sức khỏe khi sử dụng. Chả hạn như không được cấp đông các loại thực phẩm chiên, các loại rau có lượng nước cao, khoai tây sống, trứng đã nấu chín, salad,... Hoặc cần biết rằng phải để thực phẩm nấu chín nguội hẳn rồi mới cho vào ngăn đông…
Không lau dọn, vệ sinh tủ lạnh, tủ đông thường xuyên
Các bề mặt bếp, khu vực đựng đồ trong tủ lạnh, tủ đông, kệ bếp,... là môi trường lý tưởng cho các loại bụi bẩn, nấm mốc và cả vi khuẩn gây hại phát triển. Chính vì vậy nếu không làm vệ sinh thường xuyên thì vô tình, chúng ta đã đưa thực phẩm vào môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, một nguyên nhân khá cơ bản là do nguồn gốc của thực phẩm không đảm bảo. Đó là những thực phẩm mà quy trình sản xuất không đảm bảo, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực phẩm chứa phụ gia độc hại; Thực phẩm chế biển sẵn không đảm bảo vệ sinh (thực phẩm handmade, các món ăn đường phố, chế biến sẵn tại các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thường dễ nhiễm vi khuẩn như Salmonella, E. coli…).
Để phòng ngộ độc thực phẩm ngày tết, cần lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo quản chúng đúng cách.
Sử dụng thực phẩm an toàn, sạch
Khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình trong dịp tết, đặc biệt là các loại hải sản, rau và trái cây tươi, bạn cần hết sức cẩn trọng. Hãy ưu tiên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Rau củ quả cần chọn loại tươi ngon, không bị hư thối hay dập nát; Thịt, cá, tôm: Chọn loại tươi, không có mùi lạ, hôi...; Thực phẩm đóng hộp hoặc đóng gói sẵn: Lựa chọn sản phẩm có đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà phân phối và các thành phần. Nếu vỏ sản phẩm bị hư hỏng hay biến dạng thì không mua.
Ăn chín uống sôi là nguyên tắc cơ bản nhất để phòng ngộ độc thực phẩm ngày tết. Chúng ta nên hạn chế các món tái hoặc sống để giảm thiểu nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập và gây ngộ độc.
Cẩn trọng khi ăn ngoài, bạn nên chọn các quán ăn hoặc nhà hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như không gian sạch sẽ, thoáng khí. Điều này nên ‘quán triệt’ trong mọi thời điểm chứ không chỉ trong dịp Tết. Khi đi du lịch ngày tết, nhất là khi đến những vùng xa xôi và hẻo lánh, hãy cẩn thận chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm khô, đồ đóng gói tiệt trùng và ưu tiên lựa chọn những món ăn nóng và được nấu chín.
Khi bị ngộ độc thực phẩn, bạn cần làm gì?
Chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) chia sẻ, khi phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần ngay lập tức ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ, sau đó theo dõi, quan sát các triệu chứng.
Trong trường hợp ngộ độc nhẹ như nôn, đau bụng, đi ngoài, cần cho người bệnh uống nhiều nước, có thể uống các loại nước điện giải tránh mất nước, ăn các món ăn dễ tiêu như cháo hoa. Cần chú ý giữ ấm cơ thể, không tự ý dùng thuốc, tiếp tục theo dõi các triệu chứng.
Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp nhận các loại nước điện giải bằng đường uống do nôn nhiều hay khi xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như tiêu chảy quá nhiều, co giật, khó thở, mất ý thức,… cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.