Tất cả chúng ta đều đã từng nghe qua câu châm ngôn: "Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày". Câu nói này luôn đúng bởi đây là bữa ăn bắt đầu một ngày mới, có khả năng quyết định đến chất lượng sống cả một ngày của bạn. Những gì bạn ăn vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến cảm giác trong ngày và thậm chí có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bạn. Dưới đây là những lỗi ăn sáng khá phổ biến mà nhiều người mắc phải, hãy cùng kiểm tra ngay để có một sức khỏe tốt hơn.
Nhịp sống bận rộn khiến rất nhiều người trong số chúng ta mắc phải lỗi ăn sáng này. Tất cả chúng ta đã đều có những lúc dậy muộn, vội vàng vừa đi vừa ăn trên đường. Không phủ nhận rằng vừa đi vừa ăn sáng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, song điều này không hề tốt cho sức khỏe của bạn.
Một nghiên cứu năm 2015 đã kết luận rằng: những người ăn uống trong trạng thái bị phân tâm có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn và nạp vào cơ thể lượng calo cao hơn những người chú ý đến bữa ăn của họ. Ăn vội ăn vàng, không nhai kỹ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim. Cố gắng dậy sớm và dành thời gian ăn sáng chất lượng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn.
Một số món ăn sáng phổ biến như bánh ngọt, bánh muffin đều chủ yếu chỉ chứa carbohydrate. Một bữa sáng chỉ toàn carbohydrate mà không có nhóm dinh dưỡng nào khác không hề tốt cho sức khỏe của bạn. Để có một ngày mới khỏe mạnh, bạn nên đi ăn một bữa ăn có đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt không nên bỏ qua protein. Các loại thực phẩm giàu protein như trứng, phô mai, bột yến mạch và sữa chua sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và chúng cũng đồng thời cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Trứng là một trong những thực phẩm sử dụng phổ biến nhất cho bữa sáng trên toàn thế giới, với ưu điểm là dễ chế biến, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Lòng trắng trứng là nguồn protein ít calo thường được khuyên sử dụng cho những người có tiền sử bệnh tim hoặc bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng lòng trắng trứng vì mục đích giảm cân hay ăn kiêng thì bạn đã thực sự bỏ qua nguồn dinh dưỡng dồi dào từ lòng đỏ trứng.
Trong lòng đỏ trứng có chứa nhiều vitamin và axit béo omega 3 tốt cho cơ thể của bạn. Đồng thời chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Đúng là trong lòng đỏ trứng có chứa cholesterol, tuy nhiên theo các bác sĩ thì việc ăn vài quả trứng không làm cho mức cholesterol trong máu của bạn tăng cao được.
Bắt đầu một ngày mới là thời điểm mà cơ thể chúng ta cần rất nhiều năng lượng, chính vì vậy bạn nên chú ý hơn đến bữa ăn sáng của mình. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người ăn bữa sáng đủ no sẽ có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn so với những người chọn ăn nhiều vào bữa trưa và bữa tối. Lý do là bởi khi ăn sáng ít hoặc không ăn sáng, bạn sẽ cảm thấy đói và nhanh chóng bị cám dỗ bởi những món ăn vặt thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể trong những bữa ăn còn lại. Một nghiên cứu năm 2016 cũng chỉ ra rằng, ăn bữa sáng đầy đủ khiến lượng đường huyết trong máu ổn định, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Chất béo không phải là "kẻ thù" của cân nặng. Đúng là chất béo chuyển hóa rất có hại cho cơ thể, song chất béo lành mạnh là thứ bạn không nên cắt giảm trong chế độ ăn của mình. Chất béo lành mạnh có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, kiểm soát cơn thèm ăn, đồng thời giúp tăng hấp thụ các vitamin A, D, E, K… Những thực phẩm chứa chất béo lành mạnh gồm quả bơ, cá béo, các loại hạt, dầu olive và trứng.
Ăn sáng quá muộn cũng là một sai lầm mà rất nhiều người mắc phải trong cuộc sống bận rộn này. Đừng nên chờ đến chỗ làm, làm xong vài việc rồi mới bắt đầu ăn sáng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quá trình tiêu hóa của bạn. Các chuyên gia cho rằng ăn bữa sáng trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy sẽ khiến bạn năng động hơn vào buổi sáng và ít đói trong suốt thời gian còn lại trong ngày.
Một nghiên cứu năm 2015 cũng đã cho thấy rằng những người tiêu thụ bữa ăn sáng giàu protein từ 6h đến 9h45 sáng có thể giảm nguy cơ béo phì trong cơ thể và giảm cơn đói trong ngày, trái ngược với những người chờ đến 10h mới ăn. Hơn nữa, ăn bữa sáng quá muộn sẽ làm ảnh hưởng đến cảm giác no, đói của bạn vào các bữa ăn khác trong ngày, đặc biệt là bữa trưa
Cà phê là thức uống buổi sáng giúp tỉnh táo quen thuộc của nhiều người, tuy nhiên thời điểm để uống chúng là rất quan trọng. Khá nhiều người uống cà phê khi chưa ăn gì và điều này không hề tốt cho sức khỏe của bạn.
Uống cà phê với một chiếc bụng rỗng, ngay cả là cà phê hòa tan, cũng có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày của bạn. Đối với những người có hệ thống tiêu hóa nhạy cảm, axit tăng có thể gây khó tiêu, ợ nóng hoặc làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày. Thêm vào đó, tiêu thụ chất caffeine khi chưa ăn gì cũng có thể làm tăng sự lo lắng, tim đập nhanh. Tốt nhất là bạn nên ăn sáng trước đã rồi mới uống cà phê.
Trong tất cả những lỗi ăn sáng trên thì bỏ bữa là sai lầm tai hại nhất mà bạn có thể mắc phải. Bỏ bữa sáng sẽ không giúp bạn giảm được chút cân nặng nào, thậm chí còn gây tác hại về lâu dài. Thường xuyên bỏ qua bữa ăn sáng của bạn có thể không chỉ dẫn đến việc ăn quá nhiều sau đó mà còn gây thiếu năng lượng tổng thể trong suốt cả ngày. Theo Harvard Business Review, cơ thể chúng ta chuyển đổi thức ăn thành glucose, cung cấp năng lượng để chúng ta tỉnh táo. Đó là lý do tại sao chúng ta đều trở nên khó tập trung hơn khi bụng rỗng và điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc, học tập.
Bỏ qua bữa sáng là đi ngược lại với quy luật của cơ thể. Một bữa sáng với đầy đủ nhóm dưỡng chất sẽ giúp bạn có một ngày dài khỏe mạnh, giữ cân nặng ổn định, giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, tiểu đường type 2 và bệnh tim, chính vì vậy bạn nên chú ý đến bữa ăn đặc biệt quan trọng này.
Nguồn: Thisisinsider