Kỹ năng đảm bảo sức khỏe khi đi du lịch nước ngoài
Theo SCMP , hôm 3/2, MC Từ Hy Đệ thông báo về sự ra đi của chị mình - diễn viên Từ Hy Viên - do mắc cúm, biến chứng thành viêm phổi khi đang du lịch Nhật Bản .
Sau vụ việc, nhiều chuyên gia y tế tại Hong Kong - Trung Quốc và Thái Lan đã đưa ra nhiều khuyến cáo với du khách khi đi du lịch nước ngoài.
Cụ thể, người Hong Kong - Trung Quốc được khuyến cáo không nên đến Nhật Bản du lịch thời điểm này. Nếu có việc bắt buộc phải đi hoặc vẫn muốn du lịch, nên tránh đến những khu vực đang bùng phát dịch cúm. Du khách nên tiêm vaccine phòng cúm ít nhất hai tuần trước khi khởi hành, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người cũng như vệ sinh tay sạch sẽ. Ngoài ra, du khách cũng nên ghi lại thông tin liên lạc khẩn cấp tại địa phương nơi mình ghé thăm và mua bảo hiểm du lịch.
Báo cáo của các tổ chức y tế chỉ ra, tùy thuộc vào hồ sơ sức khỏe, loại hình du lịch sẽ thực hiện, các địa điểm quá cảnh và điểm đến, du khách có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe khác nhau khi đi du lịch. Du khách thường dễ mắc các bệnh liên quan đến những thay đổi lớn về độ cao, nhiệt độ và độ ẩm, cũng như tiếp xúc với vi khuẩn, động vật, côn trùng và bệnh truyền nhiễm khi đi du lịch nước ngoài.
Do đó, trước khi đi du lịch nước ngoài , du khách cần chuẩn bị sức khỏe tinh thần tốt bằng việc đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, tiêm phòng đầy đủ; cần tìm hiểu về các thông tin liên quan đến y tế ở quốc gia mà mình sắp đến.
Du khách nên trang bị theo một số loại thuốc cơ bản như thuốc chống say tàu xe, hỗ trợ tiêu hóa, thuốc kháng histamine (chống dị ứng). Ngoài ra, không thể quên thuốc giảm đau, hạ sốt, chai xịt côn trùng, khẩu trang y tế, thuốc bôi ngoài da, băng keo cá nhân, bông gạc, thuốc đỏ, dung dịch sát khuẩn (với giới hạn dung tích 100ml).
Đặc biệt, du khách phải mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, visa, căn cước công dân, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận của bác sĩ khi du khách thuộc nhóm người buộc phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ y tế như máy tạo nhịp tim, nạng… để có thể trình bày với nhân viên an ninh tại sân bay, cơ quan chức năng sở tại khi cần thiết.
Nên du lịch theo tour hay tự túc?
Trao đổi với PV Tiền Phong , đại diện một công ty du lịch quốc tế có trụ sở tại Hà Nội cho biết, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài theo hình thức book tour hoặc tự túc.
Du lịch theo tour mang lại sự thuận tiện và an toàn cho du khách . Bởi việc có lịch trình và dịch vụ hỗ trợ bao gồm cả y tế sẵn có giúp giảm bớt gánh nặng khi đi du lịch, làm tăng cảm giác an toàn cho du khách. Thậm chí, một số tour du lịch cao cấp sẽ bao gồm cả bảo hiểm du lịch về sức khỏe cho du khách.
Tuy nhiên, nhiều người đánh giá sự tự do và tính linh hoạt của chuyến đi khi du lịch theo tour không cao. Bởi lẽ, lịch trình cố định có thể làm mất đi sự háo hức khám phá và cũng đòi hỏi kỷ luật về mặt thời gian nên có thể khiến du lịch theo tour trở nên nhàm chán.
Du lịch tự túc giúp du khách có được sự tự do và linh hoạt trong lịch trình trải nghiệm. Tuy nhiên, du lịch tự túc cũng đồng nghĩa với việc du khách phải tự chịu trách nhiệm về việc lên kế hoạch, quản lý chi phí và bảo đảm an toàn cá nhân cùng các vấn đề liên quan đến sức khỏe , nhất là khi du lịch nước ngoài.
"Nếu có sự hiểu biết, kinh nghiệm và có người quen đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, hoặc họ là người bản địa thì du khách mới nên đi du lịch tự túc. Đối với người lần đầu tiên đến một quốc gia du lịch, tôi cho rằng cần phải book tour để đảm bảo an toàn, nhất là khi có sự cố liên quan đến an toàn của bản thân xảy ra", vị đại diện công ty du lịch nói.
Cần làm gì khi ốm đau hoặc gặp tai nạn ở nước ngoài?
Nếu không may phải nằm viện ở nước ngoài, du khách nên liên hệ với Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự của nước mình tại quốc gia đó, để được hỗ trợ liên hệ với gia đình, người thân, giúp liên hệ với công ty bảo hiểm của du khách và những thủ tục cần thiết khác.
Theo WHO, SCMP, National Thailand