Từ trước đến nay, người ta thường nói vui rằng các siêu anh hùng đã tàn phá và giết chóc vô tội vạ để giải cứu thế giới, liệu điều đó có đúng sự thật? Các học giả đã tranh luận sôi nổi về vấn đề này trong một nghiên cứu mới đây: "Người tốt" có khi nào lại bạo lực hơn cả "kẻ xấu"?
Nghiên cứu của Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ được công bố phát biểu tại quận Orange, (California, Mỹ) vào ngày 5/11 vừa qua đã chỉ ra một sự thật phũ phàng rằng: các siêu anh hùng của chúng ta đã thực hiện trung bình 23 hành vi bạo lực mỗi giờ trên phim, trong khi đó ở phe phản diện con số chỉ dừng lại ở 18 hành vi mỗi giờ. Nghiên cứu đồng thời cho thấy các nhân vật nam thường có hành vi hung hăng cao gấp 5 lần so với các nhân vật nữ với con số 34 hành vi bạo lực mỗi giờ ở nhân vật nam và khoảng 7 hành vi mỗi giờ ở nhân vật nữ.
Nghiên cứu chỉ ra các siêu anh hùng đang "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" quá nhiều.
Các học giả đã phân tích 10 bộ phim siêu anh hùng ra mắt từ năm 2015 đến 2016 và đánh giá từng hành vi bạo lực của mỗi nhân vật. Ví dụ, hành vi bạo lực chủ yếu của các nhân vật chính thường là đánh nhau (1021 hành động), theo sau đó lần lượt là tấn công bằng vũ khí nguy hiểm (659 hành động), phá hủy tài sản (199 hành động), giết người (168 hành động), bắt nạt/tra tấn/uy hiếp (144 hành động).
Đáng buồn thay, tất cả những hành vi này đều cao hơn hẳn so với phe phản diện.
Giáo sư - Bác sĩ Robert Olympia khoa Cấp cứu và Nhi khoa tại trường Penn State College, đồng thời là tác giả của nghiên cứu này nói: "Trẻ em cũng như người lớn luôn cho rằng các siêu anh hùng là "người tốt", chúng thường bị tác động bởi những hành vi liều lĩnh và bạo lực của những siêu anh hùng này". Một bác sĩ khác làm việc tại trung tâm y tế Milton S. Hershey và Bệnh viện Nhi Penn State cũng tham gia vào nghiên cứu cho rằng "Nhà cung cấp dịch vụ y tế cho trẻ em cần giáo dục cho các gia đình về những cảnh bạo lực diễn ra trong thể loại phim này và các nguy cơ tiềm ẩn sẽ xảy đến nếu trẻ em bắt chước các siêu anh hùng mà chúng thần tượng."
Một trong những nhà nghiên cứu chính, ông John S. Muller nhận định rằng phụ huynh nên xem phim siêu anh hùng cùng với con cái và phải tích cực giải thích hậu quả của các hành vi bạo lực trong phim để ngăn chặn trẻ bắt chước siêu anh hùng của chúng. Muller tiếp lời:"Nếu chỉ ngồi xem chung với con cái một cách thụ động, chúng sẽ hiểu ngầm rằng bạn hoàn toàn chấp nhận những hành vi bạo lực đó. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra sự gia tăng rõ rệt hành vi hung hăng ở trẻ xem nhiều phim bạo lực." Sau cùng, ông cho rằng:"Bằng việc chủ động bàn luận với con khi xem phim, phụ huynh sẽ giúp con mình phát triển óc phân tích và hình thành nhân cách của chúng."