Trong mùa dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh nhà cửa... thì Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng nhấn mạnh "chế độ ăn uống lành mạnh" là một yếu tố rất quan trọng.
Theo WHO, những gì chúng ta ăn và uống có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng ngừa, chống lại và phục hồi sau khi bị nhiễm trùng của cơ thể. Dinh dưỡng tốt cũng có thể làm giảm khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm béo phì, bệnh tim, tiểu đường và một số loại ung thư.
Đối với trẻ nhỏ, một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng là điều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Đối với người già, nó có thể giúp đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và năng động hơn.
4 món phải hạn chế ăn bao gồm:
1. Cắt giảm lượng muối
WHO khuyến cáo lượng muỗi ăn hàng ngày của mỗi người lớn là 5g (tương đương với một muỗng cà phê). Khi nấu ăn và chế biến thực phẩm, người dân cần sử dụng muối một cách tiết kiệm và giảm sử dụng nước sốt và gia vị mặn (như nước tương, nước kho hoặc nước mắm).
Khi đi mua hàng, cần kiểm tra nhãn trên thực phẩm và chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp.
Những gì chúng ta ăn và uống có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng ngừa, chống lại và phục hồi sau khi bị nhiễm trùng của cơ thể.
2. Ăn một lượng vừa phải chất béo và dầu
WHO khuyên người dân nên thay thế bơ, dầu ăn và mỡ lợn bằng các loại chất béo lành mạnh hơn như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương hoặc dầu ngô khi nấu ăn.
Đồng thời, nên chọn các loại thịt trắng như thịt gia cầm và cá vì chúng thường ít chất béo hơn thịt đỏ, cần hạn chế tiêu thụ thịt chế biến.
Đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, hãy chọn phiên bản ít béo hoặc giảm béo. Tránh thực phẩm chế biến, nướng và chiên có chứa chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp.
Cách chế biến thực phẩm tốt nhất là hấp hoặc luộc.
3. Hạn chế ăn đường
Hạn chế ăn đồ ngọt và đồ uống có đường như: Đồ uống có ga, nước ép trái cây, nước có hương vị, nước uống năng lượng và thể thao, trà và cà phê pha sẵn, đồ uống có sữa...
Chọn trái cây tươi thay vì đồ ăn nhẹ ngọt như bánh quy, bánh ngọt và sô cô la. Khi lựa chọn món tráng miệng, đảm bảo rằng chúng có ít đường và chỉ nên tiêu thụ hạn chế.
Tránh để trẻ em ăn thức ăn có chứa đường. Không nên thêm muối và đường vào thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 2 tuổi và nên hạn chế đối với những bé lớn hơn.
Hạn chế ăn đồ ngọt và đồ uống có đường.
4. Tránh sử dụng rượu
WHO nhận định rượu không nằm trong danh sách chế độ ăn uống lành mạnh. Uống rượu không bảo vệ cơ thể bạn chống lại COVID-19 mà thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe hơn.
Tiêu thụ rượu thường xuyên hoặc quá mức làm tăng nguy cơ chấn thương của bạn, cũng như gây ra các tác động lâu dài như tổn thương gan, ung thư, bệnh tim và bệnh tâm thần. Uống rượu không có mức độ nào được coi là an toàn.
2 món phải bổ sung đầy đủ bao gồm:
1. Ăn nhiều thực phẩm nguyên hạt, trái cây và rau quả
Để tăng sức đề kháng trong mùa dịch, mỗi người nên ăn hỗn hợp các loại nguyên hạt như lúa mì, ngô và gạo, các loại đậu, nhiều trái cây và rau quả tươi, với một số thực phẩm từ các nguồn động vật (ví dụ như thịt, cá, trứng và sữa).
Nên chọn thực phẩm nguyên hạt như ngô chưa chế biến, kê, yến mạch, lúa mì và gạo nâu nếu có thể bởi chúng rất giàu chất xơ và có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Đối với đồ ăn nhẹ, chọn trái cây tươi và các loại hạt không ướp muối.
Nên chọn thực phẩm nguyên hạt như ngô chưa chế biến, kê, yến mạch, lúa mì...
2. Uống đủ nước
Nước lọc là thức uống lành mạnh và rẻ nhất đối với sức khỏe, chúng luôn có sẵn và an toàn để sử dụng bất cứ lúc nào. Nước lọc có ý nghĩa trong việc điều khiển mọi hoạt động trong cơ thể, điều chỉnh thân nhiệt, giúp tiêu hóa tốt, thải trừ độc tố ra khỏi cơ thể. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính bạn và giảm khả năng phòng ngừa COVID-19.
Mỗi người lớn cần đảm bảo uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày. Ngoài ra, uống nước lọc thay cho đồ uống có đường là một cách đơn giản để hạn chế lượng đường và lượng calo dư thừa .
- Luôn giữ sạch sẽ, sử dụng nước và nguyên liệu an toàn.
- Dùng dao và thớt riêng cho loại thịt sống và thịt chín
- Không được ăn thịt của những động vật chết vì bệnh
- Rửa tay giữa mỗi lần chuyển đổi giữa việc chạm vào thực phẩm sống và chín
- Đảm bảo nấu chín kỹ thực phẩm
(Nguồn: WHO)