Bệnh huyết khối, hiểu đơn giản là sự xuất hiện của cục máu đông trong máu và cả trong tim. Thật ra, nó không hoàn toàn tiêu cực bởi trong trường hợp cần cầm máu thì cục máu đông sẽ giúp tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, khi huyết khối hình thành ở những nơi không cần thiết (không cần đông máu), ví dụ như trong dòng tuần hoàn của máu thì nó lại gây ra nhiều rắc rối.
Có sự xuất hiện của cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch sẽ khiến cho dòng chảy của máu chậm lại hoặc tắc nghẽn khiến mãu không đưa kịp về tim hoặc về não, dễ dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ bất ngờ. Không chỉ thế, nếu cục máu đông mà hình thành ở chân thì sẽ dẫn đến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Các cục huyết khối ở chân ngày càng nhiều thì có thể di chuyển ngược lên phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi (PE), dẫn đến tử vong, vô cùng nguy hiểm.
Do thói quen lười vận động của nhiều người trẻ ngày nay, do công việc văn phòng thường xuyên phải ngồi một chỗ... đều khiến chúng ta dễ mắc phải bệnh huyết khối.
Theo các nghiên cứu, việc ngồi liên tục trong 4 giờ trở lên sẽ kích thích làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối. Nếu bạn ngồi lâu mà còn không uống đủ nước thì hình hình sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đây là lý do khiến chúng mình dễ mắc phải bệnh huyết khối, nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu do đôi chân không được vận động thường xuyên.
- Dù công việc của bạn mang tính chất tĩnh thì vẫn nên để cho cơ thể nói chung và đôi chân nói riêng được vận động. Sau mỗi 45 phút - 1 giờ ngồi lâu, hãy chủ động đứng lên đi lại để cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi...
- Ngay cả khi ngồi làm việc, bạn cũng không nên để tay chân ở một vị trí quá lâu mà có thể thay đổi vị trí, tư thế như đung đưa tay chân, vươn vai cũng là cách giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Ngoài thời gian làm việc, bạn nên tập luyện thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời.