Chúng ta vẫn thường nói: "Kế hoạch của một năm bắt đầu từ mùa xuân". Đây là một chu kỳ mới của bốn mùa. Sau khi mùa xuân bắt đầu, nhiệt độ dần ấm lên, không khí lạnh dần yếu, cỏ cây đâm chồi, vạn vật hồi sinh. Mùa xuân là đầu năm, cũng là mùa sinh trưởng. Gan cũng như cỏ cây, mùa xuân hoạt động mạnh hơn. Do đó, chăm sóc sức khỏe vào mùa xuân nên chú trọng bồi bổ và bảo vệ gan. Nguyên lý chăm sóc gan vào mùa xuân là "giảm vị chua, tăng vị ngọt, dưỡng tỳ" để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tạo nền tảng tốt cho một năm khỏe mạnh.
Gan là cơ quan tiêu hóa và giải độc lớn nhất trong cơ thể con người, đồng thời cũng là cơ quan có sự trao đổi chất hoạt động mạnh nhất. Gan đảm nhiệm 4 chức năng chính: Tổng hợp, chuyển hóa, bài tiết và giải độc. Do đó, một khi gan có vấn đề, nó sẽ gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của cơ thể. Cũng vì thế mà có câu nói rằng "duy trì gan là duy trì sự sống". Y học cổ truyền cho rằng "xanh vào gan". Nghĩa là thực phẩm xanh (rau lá xanh) rất quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe lá gan. Chúng có tác dụng nuôi dưỡng, làm dịu gan, bổ huyết, giải độc và làm đẹp da... Vào mùa xuân, bạn cần nhiều thành phần hơn để nuôi dưỡng gan. Dưới đây là 4 loại rau nhất định phải ăn vào mùa xuân để nuôi dưỡng gan, giải độc, giảm mỡ, làm sạch ruột và dạ dày. Giờ thì hãy cùng xem đó là những loại rau nào và cách chế biến chúng ra sao nhé!
Rau bina vốn là loại rau có quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa xuân, rau bina thường tươi ngon và giàu dưỡng chất nhất. Rau bina giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bổ âm, dưỡng ẩm, làm dịu gan, bổ máu, giải độc, làm đẹp da.
1 bó rau bina, 1 quả trứng muối, 1 quả trứng gà luộc chín, một ít tỏi băm, một ít dầu ăn, lượng muối thích hợp, 1 thìa canh tinh chất cốt gà, một chút bột tiêu.
Bước 1: Rau bina nhặt bỏ phần rễ, sau đó rửa sạch, cắt thành khúc vừa ăn (bạn có thể để nguyên nếu cây nhỏ). Đặt một nồi nước lên bếp, đun sôi, thêm chút muối rồi thả rau bina vào chần một lúc thì vớt ra cho vào chậu nước lạnh. Rau bina có chứa axit oxalic, và việc chần có thể loại bỏ axit oxalic trong rau bina.
Bước 2: Đổ một lượng nước nóng vừa đủ vào nồi (nếu có nước dùng gà/nước hầm xương càng tốt). Sau đó cho trứng bắc thảo và trứng gà luộc đã cắt nhỏ vào, nấu trong khoảng 2 phút. Tiếp đó nêm chút muối cho trứng muối và trứng viên đã chuẩn bị vào nồi, nấu trong hai phút, sau đó nêm thêm một chút muối, tinh chất cốt gà và bột tiêu vừa khẩu vị. Thả rau bina đã chần vào, nấu tiếp tục trong khoảng 5-7 phút, tới khi chín. Lấy canh rau bina nấu trứng ra tô là có thể thưởng thức.
Rau tề thái (rau cải dại) là một trong những loại rau dại theo mùa, chúng sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa xuân. Rau tề thái cực kỳ bổ dưỡng và có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, bổ gan, sáng mắt, giải độc, giảm táo bón...
1 nắm rau cải dại (200g), 1 củ măng, 50g thịt nạc, lượng dầu ăn thích hợp, một chút muối, 1 thìa canh tinh chất cốt gà, một chút dầu mè.
Bước 1: Rau tề thái bạn nhặt bỏ gốc, rửa sạch rồi để ráo. Sau đó đun sôi một nồi nước, cho rau tề thái vào chần trong khoảng 2-3 phút rồi vớt ra, thả vào chậu nước lạnh. Sau đó bạn vớt rau tề thái ra, nắm kiệt nước rồi thái nhỏ.
Bước 2: Măng củ sau khi mua về, bạn rửa sạch, xắt thành dạng sợi. Sau đó cho măng vào nồi nước sôi luộc trong khoảng 10 phút rồi vớt ra, để ráo. Thái thịt lợn thành từng miếng nhỏ, cho vào bát, ướp với chút muối rồi để riêng.
Bước 3: Cho một chút dầu ăn vào chảo, đun nóng rồi trút thịt vào xào đến khi đổi màu. Tiếp theo bạn thêm măng vào xào chín rồi lấy ra bát, để riêng. Cho thêm một chút dầu ăn vào chảo, đun nóng để xào rau tề thái.
Bước 4: Xào rau khoảng 3 phút thì cho măng và thịt heo vào, nêm thêm chút muối, tinh chất cốt gà rồi rưới thêm chút dầu mè. Đảo đều cho đến khi các nguyên liệu chín thấm gia vị thì lấy ra đĩa là có thể thưởng thức.
Rau mầm cụ thể là mầm cải xanh rất giàu sulforaphane - một hóa chất thực vật có tiềm năng lớn trong giải độc, chống lại các tế bào ác tính và bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, sulforaphane giúp tăng cường chức năng gan và hỗ trợ gan trong thực hiện nhiệm vụ thanh lọc độc tố ra khỏi cơ thể. Rau mầm cũng chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, có thể bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do và đạt được hiệu quả nuôi dưỡng cũng như bảo vệ sức khỏe lá gan.
300g rau mầm cải xanh, 1 hộp nhỏ nấm ngọc châm trắng, một ít tỏi băm, lượng dầu ăn thích hợp, 1 thìa canh tinh chất cốt gà, lượng muối vừa phải.
Bước 1: Cắt bỏ gốc nấm ngọc châm rồi rửa sạch. Sau đó cho nấm ngọc châm vào nồi nước sôi, chần trong khoảng 5 phút thì vớt ra.
Bước 2: Tiếp theo làm nóng chảo, cho lượng dầu vừa đủ vào. Khi dầu nóng thì thêm tỏi băm vào phi thơm. Tiếp đó bạn cho nấm ngọc châm vào xào chín. Sau đó thêm rau mầm đã rửa sạch vào, đảo nhanh trên lửa lớn. Khi rau mầm chuyển màu nhẹ thì thêm chút muối, tinh chất cốt gà vào, đảo đều là xong.
Mùa xuân là thời điểm rau hẹ phát triển tốt nhất và cực kỳ bổ dưỡng. Ăn thường xuyên rau hẹ vào mùa xuân có thể làm khỏe dạ dày, giải tỏa tâm trí, lưu thông khí huyết, nuôi dưỡng thận, làm sạch ruột và giải độc. Ăn nhiều rau hẹ khi thời tiết vẫn còn đan xen nóng lạnh lúc vào xuân có thể xua tan âm - lạnh, nuôi dưỡng dương - bảo vệ gan.
150g rau hẹ, 200g giá đỗ, một chút gừng thái sợi, lượng muối vừa phải, 1 thìa canh tinh chất cốt gà.
Bước 1: Nhặt sạch lá già, úa rồi đem rau hẹ rửa sạch. Tiếp đó cắt rau hẹ thành các khúc vừa ăn. Lưu ý phần gốc rau hẹ và lá sẽ chín ở thời điểm khác nhau, do đó bạn nên để riêng 2 phần này. Giá đỗ rửa sạch, để riêng cho ráo nước. Đặt chảo lên bếp, cho chút dầu ăn rồi đun nóng. Thêm chút gừng thái sợi vào xào thơm rồi cho giá đỗ và gốc rau hẹ vào xào ở lửa vừa đến khi thấy giá đỗ chuyển màu, hơi mềm.
Bước 2: Sau đó thêm muối, tinh chất cốt gà rồi cho lá hẹ vào, xào đều. Khi giá đỗ chín, phần rau hẹ chuyển màu xanh thẫm thì bạn tắt bếp, lấy món ăn ra đĩa.