Gần đây, một đoạn clip dài khoảng hơn 1 phút về việc tập thể dục cho trẻ sơ sinh bằng cách nhào lộn, quăng quật đã khiến không ít người đứng tim khi xem, thậm chí là bày tỏ sự phẫn nộ. Trong đoạn clip, một nữ y tá đang thực hiện những động tác thể dục nhìn rất “bạo lực” cho một bé khoảng 2-3 tháng tuổi khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Đoạn video ghi lại cảnh tập thể dục cho trẻ sơ sinh gây nên nhiều tranh cãi.
Có thể thấy trong đoạn clip, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, người phụ nữ đã liên tục thực hiện những động tác rất mạnh đối với bé như: cầm hai tay bé tung ném sang nhiều hướng, lúc lại nắm hai chân và chúc ngược đầu bé xuống và lắc lư đủ mọi tư thế, lúc xoay vòng vòng và lộn nhào, thậm chí ở đoạn cuối clip còn cầm đầu em bé lắc lư qua lại. Nếu nhìn qua mà không tìm hiểu kỹ, có thể nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng người phụ nữ đang bạo hành em bé này.
Những hình ảnh tập thể dục "đứng tim" từ đoạn clip.
Đoạn video này nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và bình luận của cư dân mạng. Trong đó, những bình luận chủ yếu chia thành hai luồng ý kiến khác nhau. Đa phần mọi người đều bày tỏ thái độ phẫn nộ, phản đối và "không thể hiểu nổi” với những gì mà người phụ nữ trong đoạn video đang làm với một đứa trẻ sơ sinh. Rất nhiều người đã để lại những bình luận đầy bất bình trước hành động “ngược đãi” trẻ em này: “Ảnh hưởng tới não trẻ. Mà rung như này thì nguy. Lại còn xách tay như kia nữa. Cẩn thận sai khớp như chơi.”, “Nhìn xót cả ra!”, “Chết người như chơi”,…
Đa số mọi người đều bày tỏ sự phẫn nộ và sự bất bình trước những hình ảnh trong clip.
Trong khi đó, một số người lại lên tiếng ủng hộ và cho rằng đây là một phương pháp yoga cho trẻ sơ sinh rất thịnh hành ở một số quốc gia do nhà trị liệu người Nga Lena Fokina khởi xướng. Một tài khoản Facebook bình luận: “Đây là cách luyện tập thể dục giúp cho cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh ngay từ khi còn nhỏ".Trong vài năm gần đây, các clip về phương pháp tập yoga cho trẻ sơ sinh bằng cách quăng quật, nhào lộn đã xuất hiện khá nhiều. Lena Fokina, người khởi xướng loại hình yoga này, chia sẻ rằng mình đã thực hiện phương pháp yoga này 30 năm và không hề có bất cứ nguy hiểm nào. Phương pháp này ban đầu được phát triển để chữa bệnh cho các bé có vấn đề về cơ bắp và xương. Tuy nhiên, nó cũng thích hợp với các bé khỏe mạnh. Những người ủng hộ cho rằng việc tập yoga với trẻ kiểu thế này giúp gắn kết cha mẹ và con cái, giúp tăng cường sự phát triển kỹ năng vận động cho trẻ. Và yoga còn giúp cha mẹ hiểu được mong muốn và nhu cầu của trẻ.
Đây lại là một loại hình yoga được khởi xướng bởi nhà trị liệu người Nga Lena Fokina.
Trong khi đó, bác sĩ Manny Alvarez, làm việc tại Trung tâm Y khoa Trường ĐH Hackensack tại New Yersey (Mỹ) lại lên án kịch liệt hành động này. Ông cho biết đúng là tập yoga cho trẻ có thể mang lại lợi ích như gắn kết với con, tăng kỹ năng vận động cho trẻ, đem lại sự thích thú cho cả mẹ và con. Nhưng phải tập yoga cho bé ở độ tuổi cụ thể. Và các tư thế tập yoga phải chậm để giúp trẻ phát triển.
Và ông nhấn mạnh việc đung đưa trẻ như một con búp bê trong clip trên là sai. Ông thậm chí còn so sánh việc người mẹ tập yoga với con kiểu này giống như hành động làm xiếc hơn là tập thể dục. Và ông lo lắng nhiều phụ huynh sẽ bắt chước kiểu tập yoga như thế này với con cái của mình.
Lena khẳng định bà đã thực hiện phương pháp yoga này 30 năm và không hề có bất cứ nguy hiểm nào.
Vì theo ông, mặc dù xương của trẻ linh hoạt và đàn hồi tốt hơn người lớn nhưng có những giới hạn ở các khớp nối trong cơ thể người. Nếu chúng ta thường kéo dãn các phần giới hạn này thì có thể gây ra hàng loạt vấn đề trong cuộc sống sau này. Buộc trẻ sơ sinh vào các tư thế như vậy có thể gây tổn thương nghiêm trọng quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.
Ông cho rằng những chuyển động co giật kéo dài và thô bạo đối với trẻ sơ sinh có thể gây hại cho khớp và thậm chí dẫn đến hội chứng lắc ở trẻ.
Những chuyển động mạnh có thể gây ra hội chứng lắc ở trẻ.
Theo Trung tâm Quốc gia Mỹ, Hội chứng lắc ở trẻ (SBS) xảy ra do trẻ bị lắc mạnh và đầu trẻ bị ép đưa ra sau, các chuyển động theo một hoặc nhiều chiều với sự tăng tốc mạnh và giảm tốc độ đột ngột đối với não trẻ. Hội chứng này khiến trẻ bị nôn ói cho đến co giật và lâu dài có thể gây ra những thương tổn không thể phục hồi được. Những đứa trẻ qua khỏi cơn nguy kịch có thể phải chịu những di chứng suốt đời như mất khả năng thị giác và thính giác, co giật, chậm phát triển, suy giảm trí thông minh, gặp khó khăn về ngôn ngữ và học tập, không duy trì được sự tập trung, trí nhớ ngắn hạn và các ảnh hưởng tâm lý khác... Điều này xảy ra vì não trẻ sơ sinh còn non nớt và dễ bị tổn thương. Và các khớp cổ của trẻ sơ sinh không đủ mạnh để nâng đầu trẻ. Điều này có nghĩa là khi trẻ bị quăng lên thì cổ trẻ không thể hỗ trợ chuyển động của đầu.
Hội chứng lắc có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, các phụ huynh trước khi áp dụng một hình thức nào để rèn luyện sức khỏe cho trẻ cần phải tìm hiểu kỹ, tham khảo ý kiến bác sĩ, huấn luyện viên xem có phù hợp với trẻ không. Hãy là những bậc cha mẹ thông thái biết tự trang bị kiến thức cho bản thân, không nên học theo bất kỳ lời đồn thổi hay phương pháp giáo dục nào chưa được kiểm chứng để tránh hậu họa đáng tiếc.