Đi khám tức ngực, người đàn ông ngỡ ngàng khi biết gan tổn thương vì 1 sai lầm khi chạy bộ

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 21:32 23/05/2024

Chạy bộ vốn là hoạt động tốt cho sức khỏe nhưng chạy sai cách có thể khiến bạn “tự rước bệnh vào thân”.

Một người đàn ông 35 tuổi tên Vương Minh (Thượng hải, Trung Quốc) bất ngờ nhận chẩn đoán suy giảm chức năng gan khi đi khám phổi. Anh cho biết, mình vốn là một người sống lành mạnh, không hút thuốc, ít khi động tới bia rượu, luôn kiểm soát cân nặng và chạy bộ mỗi ngày.

Đi khám tức ngực, người đàn ông ngỡ ngàng khi biết gan tổn thương vì 1 sai lầm khi chạy bộ - Ảnh 1.

Đi khám tức ngực, người đàn ông ngỡ ngàng nhận chẩn đoán suy giảm chức năng gan (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng và ngủ không sâu giấc. Lúc đầu, Vương Minh cho rằng đó là do áp lực công việc nên càng gắng sức vận động, dậy sớm hơn để chạy bộ được nhiều hơn. Tuy nhiên, anh mệt mỏi tới mức không thể vận động mạnh, cảm thấy đau ở vùng hạ sườn phải một cách mơ hồ và tức ngực, khó thở mỗi khi chạy. Nghĩ rằng mình mắc bệnh về phổi, anh quyết định tới bệnh viện thăm khám.

Điều mà Vương Minh không ngờ tới là bác sĩ khoa hô hấp cho biết phổi của anh không gặp vấn đề gì. Thay vào đó, bà khuyên anh nên tới khoa Gan mật tụy vì có biểu hiện bất thường như vàng mắt, vàng da ở mức độ nhẹ, đau vùng gan.

Sau một loạt cuộc kiểm tra, kết quả chỉ ra anh bị suy giảm chức năng gan. Mặc dù mức độ không quá nghiêm trọng nhưng anh cần thay đổi lối sống và thói quen ăn uống của mình nếu không muốn sớm nhập viện. Vương Minh càng ngạc nhiên hơn khi bác sĩ cho rằng gan của anh bị tổn thương bởi thói quen chạy bộ hàng ngày.

Theo bác sĩ, chạy bộ vốn tốt cho sức khỏe nhưng nếu phương pháp không đúng sẽ gây hại cho cơ thể, đặc biệt là gan. Bởi gan là “nhà máy hóa chất” của cơ thể, chịu trách nhiệm giải độc, trao đổi chất và các chức năng quan trọng như dự trữ chất dinh dưỡng. Nếu tập thể dục quá mức trong thời gian dài, cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng lớn các gốc tự do và chất thải trao đổi chất, điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho lá gan.

Trong khi đó, Vương Minh thường chạy bộ không khoa học. Mỗi ngày anh chạy khoảng 2 giờ đồng hồ và không có ngày nghỉ trong tuần. Khi chạy, anh luôn cố gắng đạt tốc độ cao nhất, chạy đến khi tức ngực, khó thở không chịu được mới dừng lại. Cộng thêm gần đây anh phải thức khuya tăng ca nên gan không đủ thời gian tự phục hồi, suy giảm chức năng. Triệu chứng tức ngực của anh không chỉ do chạy bộ sai cách mà còn liên quan tới hội chứng gan phổi, suy giảm miễn dịch.

Đi khám tức ngực, người đàn ông ngỡ ngàng khi biết gan tổn thương vì 1 sai lầm khi chạy bộ - Ảnh 2.

Chạy bộ quá sức ngoài tăng khả năng chấn thương còn có thể ảnh hưởng xấu tới gan và nhiều cơ quan khác (Ảnh minh họa)

Bác sĩ khuyên Vương Minh dù là chạy bộ hay môn thể dục thể thao nào khi tập cũng phải chú ý đến số lượng và phương pháp. Đầu tiên, thời gian chạy mỗi lần không quá 30 phút và số ngày chạy mỗi tuần được kiểm soát tốt nhất ở mức 3 - 4 ngày, ít nhất nên nghỉ một ngày mỗi tuần. Thứ hai, tốc độ và cường độ chạy cũng phải vừa phải, không nên theo đuổi tốc độ và quãng đường quá mức. Thứ ba, cần phải khởi động đúng cách, chạy đúng tư thế, nghỉ ngơi và bổ sung nước, dinh dưỡng phù hợp khi chạy.

Bên cạnh đó, Vương Minh cũng bắt đầu ngủ sớm hơn, tăng ăn rau củ và thực phẩm tốt cho gan, giảm các món nhiều chất béo, ngủ sớm và chú trọng hơn tới sức khỏe tinh thần. Nhờ đó mà gan đẩy nhanh quá trình tự phục hồi, chức năng gan của anh đã cải thiện khoảng 80% vào lần tái khám sau đó hơn 2 tháng.

Nguồn và ảnh: Sohu, Asian One

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày