Bộ não chúng ta trung bình nặng hơn một cân và tiêu thụ khoảng 20% năng lượng toàn cơ thể. Giống như các cơ quan khác trong cơ thể, quá trình tiêu thụ năng lượng để duy trì các hoạt động như suy nghĩ, tiếp nhận thông tin, ghi nhớ... thì não cũng thải các chất độc hại ra ngoài. Một trong những chất thải này là protein amyloid, thành phần được cho là sẽ góp phần gây ra bệnh Alzheimer, chứng bệnh liên quan đến thần kinh và gây mất trí nhớ.
Vào ban ngày, khi não đang hoạt động thì amyloid tích tụ giữa các tế bào não. Chỉ đến khi cơ thể chìm vào giấc ngủ thì amyloid và các chất thải gây hại mới bị tiêu diệt.
Đồng thời, khi bạn ngủ, bộ não cũng được thiết lập lại giúp xóa đi thông tin không lưu trữ. Đó là lý do tại sao mỗi khi bạn tỉnh dậy thì đầu óc thường minh mẫn hơn rất nhiều. Bởi cũng giống như máy tính, một khi các thông tin rác cùng các chất độc hại được dọn sạch thì bộ máy cũng chạy nhanh và hiệu quả hơn.
Do đó, ngủ là phương pháp bảo vệ não tốt nhất mà không có một loại thuốc nào thay thế được. Nếu bạn ngủ quá ít hoặc không đủ sâu sẽ khiến đầu óc rơi vào trạng thái chập chờn, không tỉnh táo. Đặc biệt, lúc này tế bào não sẽ bị lão hóa nhanh và nguy cơ mắc chứng Alzheimer càng tăng cao.
Để chứng minh mối liên hệ giữa não và giấc ngủ, trường đại học Michigan State và California tại Irvine đã nghiên cứu 147 người ở độ tuổi từ 20 - 84 và phát hiện ra rằng những người khó ngủ và ngủ không đủ có sự suy giảm nhanh chức năng não so với người ngủ đủ và sâu. Đặc biệt, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm thường có xu hướng nhầm lẫn mọi việc.
Đại học Uppsala ở Thụy Điển đã làm một nghiên cứu kéo dài 40 năm và thu được kết quả rằng những người đàn ông có giấc ngủ kém sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khoảng 1,5 lần so với những người có giấc ngủ chất lượng hơn.
Sau các nghiên cứu về tác động của giấc ngủ đến bộ não thì các chuyên gia cũng đưa ra vài lời khuyên giúp bạn có giấc ngủ chất lượng hơn.
- Đi bộ vào buổi sáng: Ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể sản sinh melatonin, một hợp chất giúp bạn nhanh đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.
- Tạo môi trường tối khi ngủ: Giảm thiểu ánh sáng trong phòng ngủ là cách giúp não bộ nhanh chìm vào giấc ngủ hơn. Ngược lại, các loại ánh sáng đèn, ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính đều gây tác dụng ngược lại khiến bạn khó ngủ hơn rất nhiều.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng nên chất lượng giấc ngủ cũng được nâng cao. Tuy nhiên, bạn nên tránh tập thể dục mạnh vào buổi tối gây đổ mồ hôi, tăng nhiệt cơ thể sẽ khiến bạn khó ngủ hơn đấy.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải tập thói quen đi ngủ sớm và đủ giấc mỗi đêm thì mới đạt hiệu quả trong cách bảo vệ não tối ưu nhé.
Nguồn: Reader’s Digest