Chê nước lọc nhạt nhẽo, cô gái chọn loại thức uống mà giới văn phòng yêu thích, nhưng kết quả lại bị sỏi thận

TÚ UYÊN, Theo TRÍ THỨC TRẺ 14:13 26/07/2020

Bệnh nhân có thói quen tai hại là không uống nước lọc vì cho rằng nó nhạt nhẽo, không có mùi vị thơm ngon như các loại đồ uống giải khát.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, khoa thận, bệnh viện Tri-Service General Hospital Nei-Hu Branch, Đài Loan, mới đây chia sẻ về trường hợp nữ diễn viên Trương Khả Quân nhập viện trong tình trạng đau lưng, mặc dù cô đã sử dụng thuốc giảm đau nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Thậm chí, cơn đau lan tỏa khắp cơ thể, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao, phải nhập viện tiến hành phẫu thuật.

Chê nước lọc nhạt nhẽo, cô gái chọn loại thức uống mà giới văn phòng yêu thích, nhưng kết quả lại bị sỏi thận - Ảnh 1.

Trương Khả Quân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao phải nhập viện tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết: "Bệnh nhân có thói quen tai hại là không uống nước lọc vì cho rằng nó nhạt nhẽo, không có mùi vị thơm ngon như các loại đồ uống giải khát. Thay vào đó, bệnh nhân chọn nước trà và cà phê làm thức uống hằng ngày, và đây là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận ".

Chê nước lọc nhạt nhẽo, cô gái chọn loại thức uống mà giới văn phòng yêu thích, nhưng kết quả lại bị sỏi thận - Ảnh 2.

Trương Khả Quân có thói quen tai hại là không uống nước lọc vì cho rằng nó nhạt nhẽo.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cảnh báo, các loại đồ uống có đường hoặc không đường đều không thể thay thế nước lọc. Năm 2013, Hội Thận học Hoa Kỳ tiến hành khảo sát và đánh giá 194.000 đối tượng, kết quả phát hiện những người có thói quen uống đồ uống có đường mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận là 23%. Các nhà nghiên cứu cho rằng, fructose có thể gây loãng xương, khiến canxi thất thoát qua nước tiểu.

Ngoài ra, axit oxalic, axit photphoric và axit uric đều sẽ tăng lên và dẫn đến bệnh sỏi thận. Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường nhấn mạnh, trà và cà phê có nồng độ phosphat và oxalate rất cao, có khả năng gây sỏi thận và người mắc bệnh sỏi thận cần tránh 2 loại đồ uống này.

Trường hợp nữ diễn viên Trương Khả Quân, bác sĩ thông tin thêm, cơ thể của bệnh nhân thiếu nước. Nguyên nhân là trà và cà phê chứa cafein và kali là thức uống lợi tiểu. Nếu bạn uống 1 lít nước trà hoặc cà phê thì cơ thể sẽ đào thải 1,2 lít nước. Mỗi người cần biết rõ lượng nước uống vào và cơ thể đào thải. Vào mùa hè, ngay cả khi cơ thể của bạn không ra mồ hôi thì lượng nước bốc hơi là rất lớn, khi đó nước tiểu sẽ cô đặc và chất khoáng kết tinh, lâu dần hình thành sỏi thận, gây viêm nhiễm niệu đạo.

Chê nước lọc nhạt nhẽo, cô gái chọn loại thức uống mà giới văn phòng yêu thích, nhưng kết quả lại bị sỏi thận - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Trung Quốc, mỗi người sẽ bài tiết khoảng 600-800ml nước mỗi ngày thông qua hơi thở và mồ hôi, cộng với khoảng 7-8 lần đi tiểu mỗi ngày là 300-400ml nước. Do đó, dựa trên "thể tích chất lỏng" thải ra, mỗi người cần ít nhất 4000 đến 5000ml nước mỗi ngày để bổ sung lượng nước đã mất. Nhưng trên thực tế, bạn có thể bổ sung nước thông qua thức ăn là 2000-3000ml mỗi ngày. Mọi người hãy nhớ uống nước thật chậm rãi, không uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc bởi điều này sẽ gia tăng gánh nặng cho thận.

Triệu chứng bệnh sỏi thận

Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới

Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.

Đau khi đi tiểu

Sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (đoạn cuối cùng trước khi tống nước tiểu ra ngoài) sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.

Tiểu ra máu

Sự cọ xát của sỏi khi nó di chuyển dẫn tới những tổn thương. Đây được xem như triệu chứng hay gặp của bệnh sỏi thận. Tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.

Tiểu dắt, tiểu són

Khi sỏi ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu tuy nhiên, lượng nước tiểu lại rất ít. Điều này khiến cho cơ thể cảm thấy bị mệt mỏi. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra những cơn đau quặn thận.

Cảm giác buồn nôn và nôn

Thận và ruột có liên quan tới nhau qua các dây thần kinh. Khi bị sỏi thận có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa và khiến bạn bị buồn nôn và thậm chí là nôn.

Hay sốt và cảm giác ớn lạnh

Bệnh sỏi thận rất dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu . Bởi, khi sỏi di chuyển gây ra những tổn thương hoặc sỏi gây tắc, nước tiểu không thể tống được ra ngoài. Tất cả những điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng.

Theo Ettoday