Đã bao lần bạn nằm lướt điện thoại lúc nửa đêm, tiện tay mở gói mì cay hay khui lon nước ngọt? Nghe có quen không? Gần đây, một sự việc khiến nhiều người đau lòng: một lập trình viên 27 tuổi tên Tiểu Trương được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Sau khi bác sĩ hỏi kỹ thói quen sinh hoạt, phát hiện ra anh đã ăn đồ nướng thay cơm tối suốt 5 năm liền. Đây không phải chuyện dọa suông, ruột già của nhiều người, đặc biệt là người trẻ "nghiện thức khuya" đang bị lão hóa sớm mà họ không hề hay biết.
4 thực phẩm tuyệt đối không nên ăn trước khi ngủ
- Đồ nướng: Nhiệt độ cao sinh ra benzopyrene, chất gây ung thư nhóm 1
Thịt nướng thơm ngon thật đấy, nhưng khi nướng trên 200 độ C, nó sinh ra các hợp chất đa vòng hydrocarbon có hại. Tệ hơn, xiên tre tái sử dụng của người bán còn có thể giải phóng formaldehyde dưới nhiệt độ cao. Nên thay thế bằng nồi chiên không dầu, kiểm soát nhiệt dưới 180 độ C.
- Thịt chế biến sẵn: Bẫy nitrit ẩn mình
Xúc xích, thịt xông khói chứa nitrit, khi vào dạ dày có thể chuyển hóa thành nitrosamine, một chất gây ung thư. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cho biết ăn 50g thịt chế biến mỗi ngày làm tăng 18% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nếu không thể bỏ, hãy ăn kèm trái cây giàu vitamin C như kiwi để giảm tác hại.
- Món siêu cay: Như “miếng bùi nhùi” cào rách niêm mạc ruột
Đại học Y khoa Trùng Khánh (Trung Quốc) phát hiện hấp thụ quá nhiều capsaicin (chất tạo vị cay) lâu dài có thể gây tăng sinh bất thường tế bào biểu mô ruột. Nếu sau khi ăn cay mà bị đau bụng kéo dài, đi ngoài ra máu, nên đi nội soi sớm.
- Nước ngọt lạnh có ga: Đòn kép tấn công hệ tiêu hóa
Đồ uống lạnh làm mạch máu ruột co thắt đột ngột, trong khi CO2 lại làm tăng áp lực dạ dày. Hai tác động này có thể gây hội chứng ruột kích thích, dẫn đến hiện tượng "uống xong là đau bụng đi ngoài".
Quy tắc vàng chăm sóc ruột vào ban đêm
- Không ăn gì sau 3 tiếng trước khi ngủ: Cho đường ruột ít nhất 8 giờ để "tự làm sạch". Nếu quá đói, chỉ nên uống khoảng 100ml sữa ấm không lactose.
- Tập phản xạ đi đại tiện đúng giờ: Sau khi ngủ dậy, uống 300ml nước ấm, xoa bụng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ 3 phút. Duy trì 21 ngày sẽ hình thành phản xạ tự nhiên.
- Ngủ nghiêng bên trái: Theo giải phẫu học, tư thế này giảm trào ngược axit, giúp van hồi manh tràng ở vị trí cao hơn, thuận lợi cho việc tiêu hóa.
- Tập “thể dục cho ruột” 5 phút mỗi tối: Nằm ngửa, giơ chân đạp xe trên không, kết hợp hít thở bằng bụng. Bài tập này giúp tăng nhu động ruột, nhất là vùng cơ ngang bụng, chiếc "đai nịt bụng" tự nhiên của bạn.
Những dấu hiệu bất thường cần cảnh giác
- Hình dạng phân thay đổi kéo dài trên 2 tuần: Phân nhỏ như bút chì hoặc có rãnh bất thường có thể do khối u chèn ép.
- Thói quen đi ngoài thay đổi đột ngột: Từ đều đặn chuyển sang tiêu chảy, táo bón luân phiên, kèm cảm giác mót rặn nhưng không ra.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Nếu trong 6 tháng giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể mà không ăn kiêng – cần đi kiểm tra tiêu hóa.
- Đau bụng về đêm ảnh hưởng giấc ngủ: Đau vùng bụng dưới bên phải hoặc bên trái, đi ngoài không đỡ, phải cẩn thận.
Giờ thì hãy đặt túi đồ ăn vặt xuống, vào bếp pha ngay một ly trà mạch ấm. Hãy nhớ rằng, ruột là "bộ não thứ hai" của cơ thể, nó xứng đáng được bạn nâng niu. Từ hôm nay, hãy cho hệ tiêu hóa của bạn một đêm nghỉ ngơi sâu và dịu dàng, vì mỗi thứ bạn ăn vào đang góp phần định hình tương lai của chính bạn.
Nguồn và ảnh: QQ