Cảnh giác với căn bệnh đột quỵ não gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch

Lê Nguyên, Theo Sức khỏe & đời sống 21:27 02/10/2019
Chia sẻ

GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba chỉ sau các bệnh ung thư và tim mạch. Đây cũng là loại bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh để lại nhiều di chứng, gây nên tàn tật nặng nề dẫn đến tàn.

Ngày 1/10, Bệnh viện E tổ chức khai mạc lớp đào tạo phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, y sĩ của các bệnh viện như BV E, BV Nam Thăng Long, BV Y học cổ truyền Hà Nội, BVĐKKV Ngọc Lặc (Thanh Hóa), BVĐK Bắc Giang, BVĐK Thái Bình, Trung tâm y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)…

GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ, chính xác. Bệnh nhân đột quỵ não vẫn chỉ được các bác sĩ quan tâm đến điều trị căn nguyên, còn vấn đề phục hồi chức năng thì vẫn bỏ ngỏ. Thật sự cần đánh giá đúng, phục hồi chức năng chính là một phần của quá trình điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não là phương pháp điều trị mang tính nhân văn để giúp họ tái hòa nhập cuộc sống sau khi mắc bệnh.

GS. Thành khẳng định: Hiện tại, Bệnh viện E có lợi thế là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh có nhiều chuyên khoa như Hồi sức tích cực, Ngoại chấn thương, Thần kinh và Phục hồi chức năng… với nhiều trang thiết bị điều trị và tập luyện hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi, sẵn sàng phục vụ, điều trị tốt cho bệnh nhân đột quỵ não...

Cảnh giác với căn bệnh đột quỵ não gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch - Ảnh 1.

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba chỉ sau các bệnh ung thư và tim mạch và là loại bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh để lại nhiều di chứng, gây nên tàn tật nặng nề dẫn đến tàn phế, đặc biệt về vận động.

Theo các chuyên gia về thần kinh và tim mạch, có 50% bệnh nhân tai biến mạch máu não sống sót để lại di chứng trong đó 92,96% di chứng về vận động; 50% bệnh nhân phụ thuộc trong các hoạt động tự chăm sóc; 71% giảm khả năng lao động; 66% mất khả năng lao động; 62% giảm các hoạt động xã hội; 92% người bệnh đang sống tại gia đình và cộng đồng vẫn cần tập luyện phục hồi chức năng. Người bệnh bị di chứng tai biến mạch máu não thuộc loại đa khuyết tật vì ngoài khó khăn về vận động nhiều người còn có những rối loạn khác như rối loạn nói và nuốt, rối loạn cảm xúc, rối loạn về nhận thức...

Việc luyện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị đột quỵ não là rất cần thiết và được thực hiện càng sớm càng tốt để phòng ngừa các thương tật thứ cấp, phòng ngừa và hạn chế co cứng và di chứng, đặc biệt là tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau này.

Theo các chuyên gia, phục hồi chức năng có thể kết hợp với điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt với các bệnh nhân chấn thương chỉnh hình như phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, nối gân, chuyển gân; phẫu thuật cột sống, phẫu thuật tim mạch, hô hấp...

Cảnh giác với căn bệnh đột quỵ não gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch - Ảnh 2.

Những dấu hiệu thường gặp của đột quỵ.

Phục hồi chức năng cũng đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân tổn thương thần kinh trung ương như liệt nửa người do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não; các bệnh về cơ, xương, khớp... Có thể nói, phục hồi chức năng có vai trò quan trọng giúp người bệnh tái hoà nhập với gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Để làm được điều đó, bên cạnh máy móc hiện đại chuyên dụng và phương pháp luyện tập khoa học, thì để điều trị phục hồi có hiệu quả cũng cần thời gian và sự kiên trì của cả người tập và người bệnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày