Không chỉ hút hồn du khách phương xa bởi những thắng cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh cùng loạt công trình đình đám đạt biết bao kỷ lục thế giới, nền ẩm thực lâu đời ở Trung Hoa cũng là thứ khiến thực khách đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên nọ.
Ngoài những món nổi tiếng như sủi cảo, hoành thánh, bánh bao, lẩu cay, kẹo hồ lô… Nếu có dịp trải nghiệm những khu ẩm thực địa phương ở đây, bạn sẽ rất kinh ngạc trước nhiều món ăn được cho là "kinh dị", từng khiến không ít du khách e dè chẳng dám thử.
Cao quy linh còn có tên khác là quy phục linh, thạch rùa, thạch đồi mồi, là món tráng miệng và vị thuốc quý có nguồn gốc từ Quảng Tây, Trung Quốc. Theo truyền thống, cao quy linh được làm từ 2 thành phần chủ yếu là thổ phục linh (một loài thực vật) và bột làm từ mai của loài rùa hộp ba vạch được phơi khô và nghiền ra. Trước tình hình khan hiếm và đắt đỏ của loài vật này, người ta cũng có thể sử dụng mai ba ba hoặc các loại rùa khác để thay thế.
Thông thường, các loại cao quy linh được buôn bán phổ biến như một món tráng miệng mà không chứa bột vỏ rùa, mặc dù tên sản phẩm và hình ảnh của loài vật này luôn nổi bật trên bao bì các nhãn hiệu. Cao quy linh giống rau câu, có vị hơi đắng, màu đen, mềm và dai hơn rau câu. Nó được cho là có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, tốt cho da, khi ăn thường dùng với mật ong hoặc sữa để bớt vị đắng.
Trứng bắc thảo là món có lẽ không còn quá xa lạ đối với nhiều người Việt chúng ta. Ở Trung Quốc, nó thường được gọi là Pi Dan hoặc Century Egg (trứng bách thảo, bách nhật trứng, thiên niên bách nhật trứng), được làm bằng cách ủ trứng trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi, và trấu... trong nhiều tuần lễ, thậm chí nhiều tháng. Người Trung Quốc thường dùng trứng gà và trứng cút để làm món này, trong khi ở Việt Nam lại quen sử dụng trứng vịt.
Trứng sau khi bóc bỏ lớp trấu và các nguyên liệu đắp ở ngoài thì vỏ trứng có màu đen trắng lẫn lộn như muối tiêu, đôi khi tạo những lớp hoa văn trên bề mặt trông rất đặc biệt. Lòng đỏ của trứng thường có màu xanh xám, xanh đen hoặc màu kem với mùi hăng, hơi khai, vị the và béo. Trong khi đó, lòng trắng có màu nâu đen và trong suốt như thạch, thường ít mùi vị hơn.
Không chỉ xuất hiện dưới đáy đại dương, cá ngựa còn có mặt khắp các con phố ẩm thực bình dân ở Trung Quốc như một món ăn nhẹ được đánh giá là rất tốt cho sức khoẻ. Chúng thường được tẩm ướp các loại gia vị cơ bản, sau đó xiên vào những chiếc que và chiên giòn lên. Vị của chúng được đánh giá khá giống mực, hơi mặn một tí, giá thì cũng khá đắt đỏ chứ không rẻ tí nào.
Kê là một trong những bộ phận thuộc nội tạng gà, hiểu đơn giản là phần tinh hoàn của gà trống, còn được gọi là ngọc kê hay hạt kê gà. Theo các tài liệu nghiên cứu, kê gà chứa rất nhiều chất béo và rất mềm, khi ăn khá giống với đậu phụ. Từ lâu, đây đã được xem như một món ăn có tác dụng rất tốt trong việc bổ thận, tráng dương và làm đẹp. Ở Trung Quốc, phương pháp chế biến kê gà cơ bản là nấu canh, nấu cháo hoặc luộc, hấp.
Đậu phụ thối là một món ăn nhẹ bình dân, thường được bày bán phổ biến ở các chợ đêm hoặc lề đường ở Trung Quốc. Đây là một loại đậu phụ lên men khá nặng mùi, nhiều người từng ăn nhận xét nó có mùi thum thủm giống với… bít tất thối hoặc phân bón mục rữa. Nhiều người khác lại so sánh vị của nó với pho mát xanh và thịt ôi thiu. Với những người sành ăn thì đậu phụ thối càng nặng mùi thì càng ngon, có thể dùng để ăn sống, hấp, hầm hoặc thông dụng nhất là rán và ăn kèm với tương ớt.
Theo nhiều người Trung Quốc, việc chiên bọ cạp lên sẽ giúp trung hòa độc tính của loài vật đáng sợ này. Có hai loại bọ cạp thường được chế biến đó là bọ cạp trưởng thành và bọ cạp non. Bọ cạp trưởng thành có phần thân màu đen sẫm, trong khi những con bọ cạp con thì khá mềm và trong suốt hơn. Món ăn này sau khi được chế biến thì khá giòn, ăn rất giống với món bắp rang bơ. Một số người còn cho thêm một chút gia vị cay để làm tăng hương vị. Nó được cho là có thể giúp nâng cao sức đề kháng và cải thiện sức khỏe rất tốt.
Ở Trung Quốc, tằm là một trong những loài côn trùng rất được ưa chuộng và được xem là món ngon đường phố phổ biến. Phần nhộng còn lại sau khi khu hoạch sẽ được chế biến thành hàng loạt món ăn kỳ lạ. Chúng có thể được chiên giòn và ăn cùng các loại nước chấm, xào với các loại rau, ăn với cơm và mì hoặc đóng hộp đế sử dụng lâu hơn. Vị của nó được nhiều người đánh giá khá giống tôm, cua nhưng dai hơn.