Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính mà nhiều người đến nay vẫn xem nhẹ. Nếu để lâu không kiểm soát được, người bệnh tiểu đường có thể đối mặt với nhiều tổn thương về thần kinh, tim mạch, thận, mắt…
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) cho hay: Khi bị bệnh tiểu đường, có một triệu chứng rõ ràng nhất đó là thèm ăn nhiều hơn nhưng cân nặng lại giảm đi.
Theo bác sĩ, ngày nay có không ít người trẻ mắc bệnh tiểu đường do thói quen ăn, ngủ thất thường. Do đó, ngay từ khi còn trẻ mọi người nên chủ động thay đổi các thói quen sống của mình lành mạnh hơn, đặc biệt là nên kiểm soát lượng thịt mà mình tiêu thụ.
Dù bệnh nhân tiểu đường có thể ăn tất cả các loại thịt nhưng cần kiểm soát xem loại thịt đó có giàu chất béo không, cách chế biến và phương pháp nấu nướng như thế nào…
Bác sĩ Li Aiguo đã liệt kê ra 2 loại thịt mà người tiểu đường không nên ăn, đồng thời khuyến cáo 4 loại thịt giúp kiểm soát đường huyết nhanh.
2 loại thịt có thể khiến đường huyết tăng cao
1. Các loại thịt có hàm lượng chất béo cao
Tốt nhất người bệnh tiểu đường không nên ăn các loại thịt có hàm lượng chất béo cao như thịt mỡ, lòng lợn, thịt ba chỉ bò, óc lợn, da lợn, da gà, da vịt, gan lợn… các loại thịt này có mức năng lượng cao, chất béo bão hòa cao, hàm lượng cholesterol cao nhưng giá trị dinh dưỡng thấp, có thể ảnh hưởng lớn đến lipid máu và đường huyết, ngay cả người khỏe mạnh cũng không nên ăn nhiều.
2. Thịt hun khói, thịt nướng, thịt chế biến sẵn
Các loại thịt như thịt hun khói, thịt nướng, thịt tẩm ướp, xúc xích… thường chứa nhiều muối, nhiều đường, axit béo bão hòa, các chất bảo quản. Các loại thịt này sẽ ảnh hưởng đến insulin trong cơ thể, tích mỡ nhiều hơn, vì thế tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường .
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều thịt. Mặc dù thịt rất giàu chất dinh dưỡng nhưng không nên ăn nhiều, một chế độ ăn uống cân bằng là nền tảng kiểm soát đường huyết tốt nhất. Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn 100-150g thịt mỗi ngày, tùy tình trạng sức khỏe. Nên tăng cường rau, trái cây, trứng, sữa, đậu…
Bác sĩ khuyến cáo 4 loại thịt nên tăng cường để hỗ trợ kiểm soát đường huyết
1. Thịt vịt
Nếu bạn muốn kiểm soát lượng đường trong máu, thịt vịt có thể là một lựa chọn tuyệt vời. Theo bác sĩ Li Aiguo, thịt vịt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, rất giàu protein... nhưng lại có hàm lượng chất béo thấp. Tiêu thụ thịt vịt ở mức độ hợp lý sẽ có tác dụng cải thiện nồng độ lipid máu, cải thiện khả năng hoạt động của insulin, nhờ đó giúp việc kiểm soát đường huyết hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý rằng khi ăn thịt vịt cần bỏ da.
2. Thịt ức gà
Thịt ức gà là một lựa chọn rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường vì chúng giàu protein để làm giảm sự thèm ăn, lượng chất béo lại tương đối thấp... tiêu thụ phù hợp có thể có tác dụng kiểm soát đường huyết, nhưng cần lưu ý chọn các phương pháp nấu ăn như hấp, luộc thay vì chiên, xào.
3. Thịt thỏ
Thịt thỏ chứa nhiều protein chất lượng cao, vitamin và nhiều loại khoáng chất dinh dưỡng, ít calo và chất béo, rất có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Bác sĩ Li Aiguo cũng cho biết, loại thịt này có tác dụng rất tốt đối với các bệnh tim mạch và mạch máu não, vì thế nhìn chung rất tốt cho sức khỏe.
4. Cá
Cá là loại thịt giàu đạm, ít chất béo, đồng thời rất giàu axit béo không no... Các chất này có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và mạch máu não, đồng thời có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.