Ngồi bên giường bệnh của con gái 5 tháng tuổi mắc bệnh hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), chị T.G (ở Bình Phước) giọng rưng rưng cho biết thấy con ho ít chị cho con uống hạ sốt như mọi khi. Tuy nhiên, 2 ngày sau bé đột nhiên tím tái toàn thân, được bệnh viện tỉnh chẩn đoán viêm phổi nặng trước khi chuyển đến TP HCM cấp cứu.
Quá tải giường bệnh, nhiều trẻ thở máy
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé con chị G. phải mở khí quản, thở máy. Hiện dù đã ổn định hơn, được cai máy thở nhưng biến chứng tiêu chảy, không tự ăn được phải đeo ống truyền dinh dưỡng qua mũi. Tương tự, tại khu cấp cứu Khoa Hô hấp 1 của bệnh viện, nhiều trẻ dưới 3 tuổi phải được hỗ trợ hô hấp như thở ôxy, CPAP,... Có trường hợp giống con chị G. nằm cấp cứu vì biến chứng viêm phổi nặng.
BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong vòng hai tuần trở lại, lượng bệnh nhi nội trú tăng khoảng 25% so với tháng trước, số bệnh nhi ngoại trú cũng dần tăng đáng kể ở các phòng khám. Hiện khoa đang điều trị cho khoảng 200-210 trẻ nội trú, trong đó có khoảng 10%-15% trong tình trạng nặng phải điều trị tích cực. "Dự báo số ca bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11" - BS Phong cảnh báo.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đến khám, điều trị tăng chưa từng có. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản là hơn 4.693 ca, viêm phổi là 8.176 ca. Trước tình hình trên, để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã phải tăng cường một số phòng khám, tăng cường điều trị theo dõi ngoại trú, trưng dụng mở rộng một số khoa liên quan bệnh hô hấp để tiếp nhận và điều trị bệnh nhi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP có hơn 12.700 ca bệnh tay chân miệng; hơn 8.100 ca sốt xuất huyết; gần 1.000 ca bệnh sởi. Trong đó, đáng chú ý, trung bình mỗi tuần, tại TP ghi nhận khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính. Số ca viêm hô hấp thấp nhất trong khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 và số ca bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 10, với hơn 20.000 ca/tuần. Số ca bệnh là trẻ em chiếm khoảng 60% tổng số ca mắc toàn TP.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường phòng dịch, ngăn chặn biến chứng
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm ở trẻ gia tăng. Trong đó, thời tiết chuyển mùa, trẻ quay trở lại trường học là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh về hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa…
Đối với bệnh hô hấp, BS Nguyễn Hoàng Phong cho biết trẻ nhập viện thường có các triệu chứng như ho, sốt, nặng hơn là khó thở. Những trường hợp nghiêm trọng phải được hỗ trợ hô hấp như thở ôxy hoặc thở máy tập trung ở một số bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… "Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thường tập trung trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi vì miễn dịch còn yếu, khả năng chống chọi bệnh tật kém. Do đó, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, khò khè... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm, tránh để trở nặng" - BS Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong mùa mưa này, nếu xuất hiện triệu chứng sốt liên tục 48 giờ cùng các dấu hiệu như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp… thì nên nghi ngờ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết và cần đi khám ngay.
Ngành y tế TP khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, các cơ sở giáo dục và phụ huynh cần bảo đảm vệ sinh lớp học sạch sẽ, thông thoáng, theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ cho trẻ không chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng khi mắc bệnh mà còn góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của trẻ em trong môi trường học tập đông đúc.
Các bác sĩ lưu ý khi chăm sóc trẻ phụ huynh nên chú trọng đến dinh dưỡng, bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ; chủ động tiêm ngừa, có thể tiêm một số loại vắc-xin như cúm, phế cầu... để giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, có thể rửa mũi, làm sạch được hô hấp, nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa diễn tiến nặng. Ngoài ra, có thể cho trẻ sử dụng điều hòa nhưng cần vệ sinh máy lạnh định kỳ để tránh vi khuẩn và chất bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Đẩy tiến độ bao phủ vắc-xin sởi
Về tình hình tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi, sau khi TP HCM công bố dịch sởi, tính đến ngày 12-10, TP HCM đã tiêm được 219.470 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 45.885 mũi (đạt 99,80%), trẻ từ 6-10 tuổi là 147.135 mũi (đạt 99,31%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi đạt 99% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tại, còn 3 quận, huyện có tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm quận 3, Tân Phú và huyện Cần Giờ. Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện này cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận, huyện; đối với những quận, huyện đã đạt tỉ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.