Người đàn ông ngừng tim phổi do nhồi máu cơ tim

PV, Theo VTV 07:12 15/10/2024
Chia sẻ

Nam bệnh nhân N.H.T. (37 tuổi), tiền sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ, đã được ghép thận năm thứ 6 tại Bệnh viện Quân y 103.

Khi đang làm việc, bệnh nhân xuất hiện đau ngực trái dữ dội, đau liên tục sau đó ý thức lơ mơ, được đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu.

Khi vào Khoa Hồi sức nội (A27) - Trung tâm Hồi sức cấp cứu chống độc, bệnh nhân trong tình trạng mất ý thức, thở ngáp và mất mạch lớn. Bệnh nhân được xác định đã ngừng tuần hoàn hô hấp trước viện.

Người đàn ông ngừng tim phổi do nhồi máu cơ tim- Ảnh 1.

Phim chụp X-quang phổi bệnh nhân.


Ngay lập tức, ekip trực đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp: ép tim ngoài lồng ngực, úp mask bóp bóng sau đó đặt nội khí quản bóp bóng qua ống nội khí quản, dùng thuốc cấp cứu. Trên điện tim của bệnh nhân liên tục xuất hiện những cơn rung thất, bệnh nhân đã được đánh sốc điện chuyển nhịp nhiều lần và dùng thuốc chống loạn nhịp amiodarone.

Sau hơn 1 giờ cấp cứu ngừng tim phổi, tim bệnh nhân đã đập trở lại, tạm thời duy trì được nhịp xoang và huyết động ổn định dưới tác dụng của thuốc chống loạn nhịp và thuốc vận mạch (adrenalin + noradrenalin liều cao).

Thực hiện các xét nghiệm cho thấy: Men tim bệnh nhân tăng cao, khí máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, diện tâm đồ là hình ảnh ST chênh lên ở các đạo trình D2, D3, aVF. X-quang phổi sau cấp cứu là hình ảnh tổn thương lan tỏa 2 phổi, do kết hợp của ứ huyết do suy tim và tổn thương phổi do bệnh nhân cấp cứu ép tim kéo dài.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp thành sau dưới SCAI-E (có ngừng tuần hoàn hô hấp), suy chức năng đa tạng, suy thận mạn tính ghép thận năm thứ 6.

Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực và ngay lập tức hội chẩn với Khoa Tim mạch can thiệp. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Hồi sức cấp cứu chống độc, bệnh nhân đã được chụp mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn đoạn 2 động mạch vành phải và đã được đặt stent động mạch vành phải cấp cứu.

Sau can thiệp, bệnh nhân về Khoa Hồi sức nội tiếp tục được điều trị tích cực, thở máy, mở khí quản, lọc máu liên tục, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, statin, chăm sóc toàn diện… Ý thức của bệnh nhân cải thiện mặc dù trước đó có ngừng tim phổi hơn 1 giờ, chức năng các cơ quan cải thiện dần.

Sau điều trị 3 tuần, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, chức năng các tạng trở về bình thường và được ra viện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày