Vì sao các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ "khó sống" trong Kpop?

Hà Sùng, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 11/12/2017
Chia sẻ

Cùng lý giải nguyên nhân dẫn đến sự rã đám của hầu hết các nhóm nhạc hỗn hợp sau một thời gian ngắn hoạt động.

Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi tại sao làng nhạc Hàn Quốc luôn ngập tràn girlgroup và boygroup nhưng số lượng các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay? Nếu nhìn lại lịch sử Kpop, những cái tên ít ỏi đi theo mô hình này có thể kể đến bao gồm 1RST, Sunny Hill, Co-Ed School, Nasty Nasty … Không thể phủ nhận rằng vài nhóm nhạc trong số những cái tên kể trên đã đạt được nhiều thành công đáng kể khi xuất hiện trên bản đồ âm nhạc Kpop. Tuy nhiên, so với những girlgroup hay boygroup riêng biệt, hầu hết nhóm nhạc hỗn hợp thường thất bại và đi đến kết cục tan rã.

F1RST, một nhóm hỗn hợp gồm 3 cô gái và 4 chàng trai, đã tan rã sau chỉ 2 năm ra mắt. Trong khi đó, Sunny Hill lại phải chuyển sang hoạt động như là một girlgroup sau khi thành viên nam duy nhất là Jang Hyun rời nhóm vào năm 2014. Hay Co-Ed School - nhóm nhạc thần tượng hỗn hợp nổi danh với những bản hit như "Bbiribbom Bberibbom", "Too late"… cũng phải tách nhóm và hoạt động như hai girlgroup và boygroup độc lập là 5Dolls và Speed.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các nhóm nhạc hỗn hợp thường có tuổi thọ ngắn hơn so với những nhóm nhạc độc lập bình thường?

Khả năng rời bỏ fandom của người hâm mộ

Fan chính là người trực tiếp tạo nên danh tiếng và mức độ ảnh hưởng cho thần tượng. Một nhóm nhạc sẽ trụ vững lâu ở Kpop nếu họ sở hữu cộng đồng fan vững mạnh và đoàn kết.

Dễ dàng nhận thấy rằng các nhóm nhạc Kpop thường hướng tới thu hút những đối tượng fan chuyên biệt. Trong khi các boygroup tập trung chủ yếu vào việc tạo nên sự ảnh hưởng với fan nữ, girlgroup cố gắng lôi kéo sức mạnh của fan nam thì cộng đồng người hâm mộ những nhóm nhạc hỗn hợp lại khá lộn xộn với nhiều thành phần và phân tán.

Vì sao các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ khó sống trong Kpop? - Ảnh 1.

Thêm vào đó, mâu thuẫn rất dễ xảy ra trong fandom của một nhóm nhạc hỗn hợp. Nó xuất phát từ việc các nhóm nhạc này thường có MV hay những màn biểu diễn với cử chỉ thân mật giữa các thành viên khác giới. Trên thực tế, fan của nghệ sĩ nam không muốn thần tượng của mình thường xuyên tiếp xúc với các nghệ sĩ nữ. Và ngược lại, fan của nghệ sĩ nữ cũng vậy bởi họ không muốn thần tượng phải hứng chịu gạch đá từ fan của nghệ sĩ nam. Bất đồng giữa người hâm mộ hoàn toàn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và chuyện rời khỏi fandom cũng không phải là vấn đề hiếm gặp.

Khó định hình phong cách âm nhạc

Để lựa chọn một ca khúc có hình tượng, phong cách phù hợp với cả nam và nữ không phải là điều dễ dàng. Bởi vậy, câu chuyện làm sao có thể hòa hợp nhiều phong cách trong một sản phẩm âm nhạc luôn là vấn đề đau đầu được đặt ra với các nhà sản xuất.

Vì sao các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ khó sống trong Kpop? - Ảnh 2.

Nếu nhìn vào các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ ở Kpop, có thể dễ dàng thấy rằng các ca khúc mà họ biểu diễn thường theo dạng đối đáp giữa nhân vật nam và nữ. Đây là cách mà Co-Ed School đã áp dụng và đạt được thành công. Tuy nhiên, so với những ca khúc bình thường, nó đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự luyện tập hơn. Có như vậy thì các đoạn đối đáp và lời hát giữa các thành viên mới có thể khớp và hài hòa.

Scandal dễ dàng bủa vây

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhóm nhạc hỗn hợp khó có thể tồn tại lâu dài ở Kpop là bởi tin đồn hẹn hò có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Vì thường xuyên luyện tập và biểu diễn nên các thành viên trong nhóm chơi thân với nhau cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, những hành động thân thiết đơn thuần lại dễ dàng bị dư luận thổi phồng, biến thành quan hệ tình cảm nam – nữ và được đem ra khai thác trên các trang mạng xã hội cũng như trên khắp các mặt báo.

Điển hình là trường hợp của K.A.R.D. Dù các thành viên đã từng lên tiếng khẳng định rằng không có chuyện yêu nhau cùng nhóm nhưng những tin đồn về việc Somin và B.M yêu nhau vẫn được lan truyền tới tấp trong cộng đồng fan Kpop.

Vì sao các nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ khó sống trong Kpop? - Ảnh 3.

Tạm kết

So với một nhóm nhạc bình thường, nhóm nhạc hỗn hợp phải đối mặt với nhiều nguy cơ và vấn đề hơn. Đó là nguyên nhân khiến cho hầu hết các nhóm đều chỉ tồn tại được một thời gian ngắn trước khi đi đến tan rã. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nhóm nhạc hỗn hợp nam – nữ là một mô hình độc đáo, mới mẻ và nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Bởi vậy, nếu có những hướng đi, chiến lược đúng đắn của các công ty quản lý thì việc tạo nên một nhóm nhạc hỗn hợp thành công và tồn tại lâu dài trong Kpop không phải là không thể.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày