Những ngày gần đây, cư dân mạng không khỏi xôn xao trước việc ca sĩ Erik, Only C và loạt nghệ sĩ xin rút khỏi danh sách đề cử của Asia Artist Awards (AAA 2019) – lễ trao giải uy tín của Hàn Quốc năm nay tổ chức tại Việt Nam. Lý do Erik và 1 số ca sĩ khác đưa ra là họ không muốn fan phải bỏ ra 1 số tiền không hề nhỏ để bình chọn cho anh ở vòng 2.
Chuyện ở Việt Nam chưa dứt, tại Hàn Quốc, một bộ phận ARMY (fan của BTS) – 1 trong những nhóm nhạc hàng đầu Kpop cũng lên tiếng đòi tẩy chay AAA 2019 vì mức phí bình chọn cao. Họ tính ra rằng nếu vote cho BTS trong vòng hơn 30 ngày sẽ mất đến tận 100.000 won (gần 2 triệu VNĐ). Điều này khiến một bộ phận công chúng cho rằng AAA 2019 có mức phí bầu chọn đắt đỏ, chưa phù hợp với người hâm mộ chủ yếu là các fan trẻ tuổi.
Hết Erik và loạt sao Việt xin rút khỏi danh sách đề cử AAA 2019...
... lại đến fandom của BTS đòi tẩy chay lễ trao giải này vì các hạng mục vote tính phí.
Sự rút lui của hàng loạt sao Việt đã khiến BTC phải đóng cổng bình chọn Nghệ sĩ Việt Nam được yêu thích nhất và giảm giá vote. Thay vì 15.000 VNĐ/SMS và 25.000 VNĐ cho 2 lượt bình chọn qua website chương trình, nay người hâm mộ chỉ phải bỏ ra 25.000 VNĐ/10 lượt (đối với khán giả Việt) và 1 USD/10 lượt (đối với khán giả quốc tế), thay nhắn tin SMS bằng nạp tiền vào tài khoản trên website.
Nếu gán cho AAA 2019 cái tiếng "làm tiền" fan thì thật oan! BTC thông báo lễ trao giải năm nay vẫn áp dụng quy trình bình chọn, trao giải đều áp dụng theo format của AAA tại Hàn Quốc các năm trước và đã được thống nhất từ đơn vị chủ quản về cách thức và mức phí bình chọn.
AAA cũng không phải lễ trao giải Hàn Quốc duy nhất thu phí vòng bình chọn. Rất nhiều lễ trao giải lớn của đất nước Kim Chi như Golden Disc Awards, Seoul Music Award,… cũng áp dụng hình thức này. Hình thức tính phí không chỉ dành cho những giải danh tiếng (Popularity Award) mà còn được tính vào những hạng mục chính. Chẳng hạn, tiêu chí chấm giải thưởng chính và tân binh của năm tại Seoul Music Awards 2018 có tới 30% là điểm phiếu bầu của fan.
Tại Seoul Music Awards 2018, lượt vote cho giải thưởng chính và giải tân binh chiếm 30%
Với fan Hàn, chuyện bỏ tiền ra để "rinh" giải cho thần tượng là điều bình thường như "cân đường hộp sữa". Hạng mục fan vote được xem là sân chơi của các fandom, nghệ sĩ nào có đông fan thì gần như cầm chắc chiến thắng trong tay dù số tiền bỏ ra để bình chọn không được coi là rẻ. Fan Hàn thường bỏ phiếu qua tin nhắn SMS hoặc các ứng dụng điện thoại hoặc chơi game đổi điểm lấy vote. Mức phí trung bình rơi vào khoảng 200 won (khoảng 4.000 VNĐ)/tin nhắn (áp dụng cho series show sống còn Produce 101) và nếu bình chọn nhiều lần thì số tiền cũng khá cao.
Fan quốc tế cũng có thể tham gia vote miễn phí, tuy nhiên cách thức khó khăn hơn rất nhiều. Ví dụ, để vote cho idol trong giải thưởng Golden Disc Awards, người hâm mộ quốc tế sẽ phải tải ứng dụng, làm các nhiệm vụ để tích điểm rồi lấy điểm đó đổi thành phiếu bầu.
Để vote tại giải Golden Disc Awards, fan phải tải app...
... đăng nhập.
... làm nhiệm vụ, tham gia các sự kiện theo hướng dẫn để lấy điểm
... khi tích luỹ đủ các thể loại điểm theo từng bước quy định, bạn mới có thể vote cho thần tượng.
Tuy bỏ tiền vote cho thần tượng được coi là chuyện thường với người hâm mộ Hàn Quốc nhưng không có nghĩa là họ chưa bao giờ bức xúc với BTC các lễ trao giải về vấn đề này. Các giải thưởng fan vote thường xuyên bị chỉ trích là lợi dụng tâm lý fan cật lực bình chọn vì không muốn idol thua kém người khác để trục lợi. Thậm chí 1 số lễ trao giải còn bị tố cáo gian lận khi trừ số phiếu 1 cách vô lý dù fan mất tiền để vote. Chính AAA cũng từng dính "phốt" này khi bị fan của YoonA (thành viên nhóm nhạc SNSD) tố thao túng phiếu bầu.
Fan của YoonA từng là "nạn nhân" của lễ trao giải AAA
Năm 2018, fandom của YoonA tuyên bố tẩy chay AAA khi chỉ còn 1 tuần nữa là vòng bình chọn khép lại vì nghi ngờ lễ trao giải này "nuốt" vote của người hâm mộ 1 cách vô lý. Ở 2 vòng bình chọn trước, thành viên SNSD đứng đầu hạng mục Nữ diễn viên được yêu thích nhất, tuy nhiên đột nhiên cô bị IU "vượt mặt". Các fan cho rằng AAA đã trừ khoảng 100 nghìn lượt vote của YoonA mà không rõ lý do, qua đó đăng hashtag #AAACheat (AAA gian lận) nhằm yêu cầu BTC giải thích và khôi phục lại số phiếu cho YoonA.
Tuy nhiên AAA không những không giải thích mà còn âm thầm xóa luôn lịch sử mua phiếu của người hâm mộ. Hành động này đã khiến cộng đồng fan của YoonA cực kì bức xúc và tẩy chay lễ trao giải. Đáng chú ý là fan YoonA đã bỏ ra đến hơn 24 nghìn USD (gần 600 triệu đồng) để mua lượt bình chọn – một con số vô cùng lớn.
Các fan YoonA phẫn nộ đăng hashtag #AAACheat: "Hãy chia sẻ bài viết này. Nhiều phiếu bầu đã bị xóa chỉ vì trước đó AAA cho rằng các fan đã gian lận nhưng bây giờ chính AAA lại xóa đi lịch sử mua phiếu của fan trên ứng dụng Starple. Hãy khôi phục lại vote hoặc mọi người sẽ xem đây là hành vi thao túng và lừa đảo".
Korea Popular Music Award (KPMA) – giải thưởng tự xưng là uy tín nhất Hàn Quốc lần đầu tổ chức vào năm 2018 cũng dính vào lùm xùm gian lận giải fan vote Popularity Award. Giải thưởng này dựa 100% vào bình chọn từ fan hâm mộ và để vote, họ phải bỏ tiền qua ứng dụng điện thoại Olleh TV. Sau khi tổng kết số phiếu, người chiến thắng là Wanna One, EXO giành vị trí á quân. Tuy nhiên BTC KPMA lại… xướng tên cả Wanna One lẫn EXO nhận giải.
Wanna One thắng giải Popularity tại KPMA nhưng lại phải nhận chung giải với EXO
Điều này khiến fan Wanna One vô cùng bức xúc vì bỏ tiền ra để bầu cho thần tượng nhưng bị "chia giải", đối xử không công bằng. Cuối cùng BTC xin lỗi và giải thích rằng vì BXH thay đổi liên tục đến phút cuối cùng, khó kết luận ai là người xứng đáng hơn nên họ quyết định trao giải cho cả 2 nhóm theo đúng tôn chỉ "vinh danh mọi nghệ sĩ" của chương trình. Dù vậy, cách giải thích này đương nhiên không thể xoa dịu cơn giận của người hâm mộ 2 nhóm nhạc.
Những giải fan vote có tính phí thường xuyên dính lùm xùm, bị người hâm mộ dọa tẩy chay vì tốn tiền mà hiệu quả không cao. Thế nhưng những hạng mục này vẫn tồn tại dai dẳng, trở thành "món ăn" không thể thiếu trong hầu hết những lễ trao giải uy tín xứ Hàn.
Lý do để những vòng bình chọn có tính phí không dễ bị "khai tử" âu cũng bắt nguồn từ tâm lý hơn thua của người hâm mộ. Fan nào cũng muốn chiến thắng về tay idol, không muốn người mình yêu quý thua kém bất kì ai. Do vậy, ai tẩy chay thì… cứ việc, phần còn lại của fandom vẫn cật lực vote hăng say với hi vọng "rinh" cúp cho thần tượng dù biết rằng những giải thưởng này "ngốn" kha khá chi phí, lại thường xuyên lâm vào tranh cãi.
Fan BTS dọa tẩy chay AAA 2019 nhưng nhóm vẫn đang dẫn đầu bình chọn
Xét cho cùng, BTC mở ra các giải thưởng fan vote có tính phí nhưng họ cũng không ép bất kì ai phải bỏ phiếu. Việc có vote cho thần tượng hay không phụ thuộc vào túi tiền và thái độ của người hâm mộ dành cho những giải này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các lễ trao giải có quyền để fan vote một đằng nhưng trao giải một nẻo. Sự minh bạch trong những hạng mục, công khai số lượng bình chọn rõ ràng luôn cần thiết để tránh lùm xùm khiến cả người hâm mộ lẫn nghệ sĩ mất vui.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.