Tôi sắp bước vào tuổi nghỉ hưu với mức lương 7 triệu đồng/tháng, một con số khiến nhiều người lo lắng vì ở thành phố bây giờ có khi cầm 7 triệu trong tay thì chưa hết nửa tháng đã chẳng còn đông nào. Nhưng với tôi thì không là vấn đề gì để phải bận tâm.
Tôi theo lối sống tối giản từ năm bước sau 49 tuổi, tính đến nay cũng hơn 4 năm rồi. Kể từ đó tôi thấy mọi thứ nó đơn giản lắm!
Chi phí nhà ở hiện tại là 2 triệu. Tôi ở căn hộ nhỏ 40m2. 2 triệu này là chi phí tất tần tất tất cả điện nước và các dịch vụ cơ bản.
Ăn uống: 2,5 triệu với bữa sáng tự nấu, trưa đơn giản, tối thanh đạm.
Đi lại: 500.000
Y tế: 1 triệu
Tiết kiệm: 1 triệu
Tôi nhận ra rằng, thực tế chúng ta chỉ cần khoảng 70% số tiền mình nghĩ là cần thiết để sống thoải mái. Những khoản chi "cho người khác xem" chính là thứ ngốn nhiều tiền nhất.
Hàng xóm tôi, một gia đình thượng lưu có lẽ là minh chứng rõ nhất cho việc mải mê chạy theo thứ chi phí cho người khác xem.
Nhà biệt thự 5 tầng nhưng lạnh lẽo vì các con sống riêng. Xế hộp đắt tiền nhưng chỉ để trưng bày trước cổng vì 2 ông bà già có biết lái xe đâu.
Đến tuổi xế chiều, vợ chồng họ phải khóc lên khóc xuống vì các con tranh giành tài sản đến đánh cãi nhau không khoan nhượng. Mâu thuẫn vì phân chia bất động sản khiến họ cô đơn trong chính ngôi nhà sang trọng của mình.
Tôi nghiệm ra rằng của cải nhiều khi là xiềng xích vô hình. Càng nhiều tài sản, càng nhiều hệ lụy đi kèm.
Đồ si hay đồ hiệu cũng phục vụ chung 1 mục đích
Chủ nghĩa tối giản giúp tôi thấu hiểu: Chiếc áo 3 triệu và chiếc áo 300.000 đều che nắng, giữ ấm như nhau. Chất liệu chính đều từ vải và với những kẻ chẳng am hiểu gì về thương hiệu như tôi thì đến phân loại chất liệu vải còn chẳng nắm được. Mua đắt đế đâu thì chúng cũng đều trở nên cũ theo thời gian.
Sự khác biệt duy nhất nằm ở: Nhãn mác và cảm giác tự tôn và cả 2 thứ này đều xuất phát điểm chỉ để phục vụ cho đôi mắt của người khác.
Tôi chọn 5 bộ quần áo chất lượng tốt, dễ phối đồ thay vì một tủ quần áo đầy ắp những mặc vài lần rồi bỏ. Có thể chúng không hề rẻ tiền nhưng đó là tất cả những gì TÔI CẦN chứ không ai bất kỳ AI ĐÓ NHÌN.
Qua nhiều năm, tôi nhận ra bữa ăn 5 triệu tại nhà hàng sang và bữa cơm 100.000 tại nhà đều cung cấp năng lượng tương đương, đều kết thúc bằng cảm giác no, tuy rằng đúng là có sự chênh lệch về trải nghiệm cảm giác.
Nhưng hệ quả thì có sự khác biệt. Thật ra ăn uống đơn giản tốt cho sức khỏe hơn, tự nấu cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Và quả thật thì thời gian đứng trong bếp là 1 loại trải nghiệm rất vui vẻ.
Vậy nên tôi chọn ăn những món đơn giản nhưng đủ chất, nhai kỹ để cảm nhận vị ngon thực sự.
Khác biệt cốt lõi giữa tằn tiện và tối giản:
Sống tằn tiện :
- Cắt giảm mọi thứ dù cần hay không
- Luôn trong trạng thái thiếu thốn
- Mục đích: Tiết kiệm bằng mọi giá
Sống tối giản :
- Chỉ giữ lại thứ thực sự cần thiết
- Tạo không gian cho điều quan trọng
- Mục đích: Tự do tâm hồn
Tôi không sống tối giản vì nghèo, mà vì muốn bản thân được giàu có thời gian và bình yên trong tâm hồn.
Chủ nghĩa tối giản đã dạy tôi bài học quý giá: "Hạnh phúc không nằm ở những gì ta có, mà ở những gì ta có thể buông bỏ." Ở tuổi 53, tôi tự hào vì mình đã tìm được chìa khóa của sự bình an thực sự, sống đơn giản để tâm hồn được tự do.