"Mình còn trẻ, cứ vui đã, ưu tiên cái gì khiến mình happy trước!" - Đó là câu cửa miệng của Linh An, một bạn trẻ quyết định không tích cóp mua nhà ở thời điểm hiện tại mà cứ sống sao cho mình thoải mái.
Những năm qua giá nhà ở Hà Nội hay TP.HCM tăng vèo vèo đến chóng mặt. Thay vì lao vào mua nhà, rồi ngày ngày "cày cuốc" tiết kiệm từng đồng, nhiều bạn trẻ chọn cách chill chill hơn.
Thay vì mua nhà họ chuyển sang mua... vibe sống.
Với tiền lương mỗi tháng kiếm được, họ thoải mái shopping đồ hiệu, tự thưởng cho bản thân những chuyến đi chơi hay những bữa ăn ngon. Sống kiểu "vui là chính" giúp các bạn nhẹ nhõm hơn, không còn áp lực nhà cửa đè nặng. Nhưng về lâu dài, kiểu sống này cũng có kha khá điều đáng để bàn.
Mai Anh (SN 1996, TP.HCM) cũng đã tạm dừng kế hoach mua nhà. Với số dư trong tài khoản khoảng 500 triệu đồng và thu nhập dao động 20 - 30 triệu/tháng (tuỳ vào số lượng job freelancer mà có thể tăng hoặc thấp hơn) - song Mai Anh vẫn đi ở nhà thuê.
Mai Anh chia sẻ: "Muốn mua nhà, mình cần có tối thiểu 30% giá trị căn hộ, tương đương hơn 1 tỷ đồng nhằm đủ điều kiện vay thế chấp ngân hàng. Gia đình mình không có đủ điều kiện để hỗ trợ nhiều như vậy, mình cũng không muốn lấy vào tiền dưỡng già của cha mẹ.
Để có số tiền kia, mình chắc chắn phải thắt lưng buộc bụng, sống nhà trọ chật hẹp, kém chất lượng trong nhiều năm. Trong khi đó, giá nhà tăng cao liên tục. Liệu đến lúc chịu khổ và dành dụm đủ tiền, mình có thể mua nhà theo dự định tính được không đây?".
Ảnh minh hoạ.
Cô quyết định thuê một căn phòng hạng Master ở chung cư cao cấp ở quận 7 (TP.HCM) với giá 9 triệu đồng/tháng. Phòng ở gần công ty, có phòng tập gym miễn phí, nằm trong khu chung cư cao cấp... - đó là những điều mà Mai Anh thấy giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của mình, từ đó có động lực kiếm thêm thu nhập hơn.
"Mình từng áp lực lắm, thấy bạn bè mua nhà là tự hỏi mình có đang tụt lại không. Nhưng rồi mình nhận ra, mình làm việc để sống chứ không phải để khổ sở trong bẫy nợ nần. Thuê nhà xong, mình có tinh thần kiếm tiền tốt hơn, cũng gặp được những người bạn chất lượng trong khu mình sống" - cô nói thêm.
Mai Anh cho biết cô có nguyên tắc là dành không quá 30% cho tiền thuê nhà, để đảm bảo vẫn có một khoản tiết kiệm phòng thân. "Nếu thu nhập của mình giảm xuống, mình cũng cần cắt giảm chi phí thuê nhà này. Nên mình cũng mang tâm lý là phải cố gắng nhận nhiều việc hơn. Khi tiền thuê nhà cao, mình cũng cố gắng chăm nấu ăn ở nhà, đi tập gym ở ngay phòng dưới sảnh... nên cũng tiết kiệm hơn kha khá" - Mai Anh chia sẻ thêm.
Mai Anh có nguyên tắc tiêu không quá 30% thu nhập cho việc thuê nhà. (Ảnh: NVCC)
Trong khi đó, Nguyễn Trung (SN 1997, quê ở Vĩnh Phúc) cũng chọn cách sống nhẹ nhàng thay vì lao vào giấc mơ mua nhà ở thành phố. Nguyễn Trung cho biết bản thân đang làm ở một công ty công nghệ và ở vị trí senior. Xung quanh Trung, nhiều đồng nghiệp khác cũng dừng giấc mơ mua nhà vì thấy giá nhà ở Hà Nội tăng quá nhanh trong vài năm trở lại đây.
"Năm 2023, mình từng nhắm một căn ở ngoại thành với giá 1,8 tỷ, giờ nó đã lên 2,5 tỷ. Lương của mình có tăng cũng không theo kịp giá nhà, mà vay ngân hàng thì mỗi tháng trả gần 15 triệu – sống thế này chắc chắn sẽ gây áp lực trả tiền. Nếu gia đình mình có điều gì khó khăn tự dựng ập đến thì sẽ rất khó để trả nợ" - Trung nói.
Suy nghĩ này đến với Trung sau một biến cố của gia đình. Vào cuối năm 2022, ba mẹ của Trung gặp tai nạn nên suốt nửa năm, Trung phải ở trong bệnh viện chữa trị cho ba mẹ, tiêu tốn nhiều vào số tiền tích luỹ mua nhà. Trung nhận ra rất khó mua nhà nếu tình hình gia đình như vậy, nên anh chàng chọn sống cuộc sống vui vẻ trước.
"Mình không còn đặt nặng phải mua nhà trước khi cưới vợ nữa. Sau khi kết hôn, khi có 2 nguồn thu nhập và 2 người cùng cố gắng thì mọi chuyện có thể sẽ khác hơn. Quê mình ở Vĩnh Phúc, di chuyển lên Hà Nội cũng gần. Nếu sau này không mua được nhà, mình sẽ về quê cải tạo và xây lại nhà ở quê thì cũng sẽ được cuộc sống chất lượng hơn, thay vì phải cố gắng mấy chục năm mua nhà trả góp" - Trung cho biết.
Nguyễn Trung học cách tận hưởng cuộc sống hiện tại, bằng việc thoải mái đi 2 chuyến du lịch nước ngoài/năm. Ngoài ra, Nguyễn Trung cũng chủ động xây sửa nhà ở quê, cố gắng đưa bố mẹ đi du lịch chung để tận hưởng những thời khắc bên gia đình. Trung cũng thoải mái hơn trong việc mua sắm cho bản thân, hay tự thưởng những món đồ đắt đỏ cho mình.
"Mình có một nhóm đồng nghiệp thân thiết, các anh chị cũng quyết định không mua nhà. Với mình, tuổi trẻ là để trải nghiệm và sống hạnh phúc bên gia đình, chứ không phải gồng mình chạy theo những thứ mà xã hội nghĩ là phải có" - Trung nói.
Mua nhà là điều khá khó khăn với người trẻ tự thân như Nguyễn Trung. (Ảnh minh hoạ)
Khác với Mai Anh và Thành Trung, Linh An (SN 1995, Hà Nội) có một "đặc quyền" mà nhiều người mơ ước: Sống cùng bố mẹ ở căn nhà rộng rãi tại ngoại thành, chẳng phải lo tiền thuê nhà. Với mức lương 25-28 triệu/tháng từ công việc thiết kế đồ họa, cô nàng chi tiêu khá thoải mái mà không cần đắn đo quá nhiều.
Không mất tiền nhà, Linh An tự cho phép mình sống "sang chảnh" hơn một chút: Tháng trước vừa tậu một chiếc túi hiệu giá hơn 30 triệu, tuần này lại đặt vé máy bay hạng thương gia đi chơi.
"Tiền kiếm ra để hưởng thụ mà, mình không muốn để dành cả đời rồi già mới dám tiêu. Mình cũng từng bị mẹ mắng vì tiêu hoang, không nghĩ đến việc sống riêng. Nhưng mình nghĩ bản thân chưa có nhu cầu mua nhà Gần đây, mình vừa đăng ký một khoá học nhiếp ảnh 15 triệu để phục vụ cả công việc lẫn đam mê" - Linh An cho hay.
Sống thoải mái trước đã! (Ảnh minh hoạ)
Chọn sống hưởng thụ thay vì mua nhà nghe thì thú vị, nhưng không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. Các bạn trẻ như Mai Anh, Thành Trung và Linh An đều thừa nhận họ phải đối mặt với những áp lực vô hình, từ FOMO khi bạn bè mua nhà đến nỗi lo tương lai về việc sở hữu căn nhà hay tài sản riêng...
Với Mai Anh, cô không phủ nhận cảm xúc chạnh lòng khi thấy bạn bè khoe mua nhà mới.
Cô chia sẻ: "Mình từng tự hỏi sống thế này có ổn không, có đang bị tụt lại không. Bạn bè xung quanh mình có những người mua nhà trước tuổi 30, khiến mình vừa mừng cho bạn, vừa áp lực thay cho mình. Nhưng rồi mình nhìn họ, thấy họ cày 2-3 job cùng lúc, gặp nhiều vấn đề tâm lý... thì mình thấy trân trọng cuộc sống nhẹ nhàng ở hiện tại".
Mai Anh cũng đối mặt với áp lực khi giá nhà thuê tăng cao. Dù vậy, cô vẫn cố gắng giữ nguyên tắc của mình là dành 20-30% thu nhập cho việc thuê nhà, cố gắng tối đa nguồn thu. "Hưởng thụ thì cứ hưởng thụ, nhưng phải có kế hoạch, đừng để cuộc sống trôi qua trong bấp bênh" - Mai Anh luôn tự dặn bản thân.
Hưởng thụ cuộc sống nhưng cũng cần có kế hoạch tiết kiệm, đề phòng điều bất trắc trong tương lai. (Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, Nguyễn Trung cũng đối mặt với vấn đề khác: Định kiến xã hội về việc "đàn ông phải có nhà".
"Mẹ mình cũng đôi lúc so sánh, khi những người bạn ở quê thì đều xây sửa nhà ở quê rồi, trong khi mình làm việc ở thành phố thì chưa có tài sản bất động sản nào đứng tên. Sau này, mình có vợ con, chẳng lẽ đi thuê nhà mãi? Đó cũng là suy nghĩ đắn đo mãi của mình" - Trung tâm sự.
Nguyễn Trung cho biết ở hiện tại, anh chàng cố gắng chia rõ các nguồn chi tiêu: 40% dành cho cuộc sống, du lịch và hưởng thụ; 30% tiết kiệm dài hạn; 30% đầu tư "lướt sóng", đầu tư vào bản thân và gửi về cho gia đình.
Sở hữu một căn nhà khá khó nhằn, và đòi hỏi phải sự nỗ lực rất lớn. (Ảnh minh hoạ)
Trong khi đó, Linh An may mắn hơn vì không phải lo tiền thuê nhà, nhưng cô cũng có những nỗi lo riêng. Đó là cảm giác thiếu an toàn khi chưa sở hữu tài sản nào lớn.
Linh An tâm sự: "Mình không áp lực chuyện bạn bè mua nhà lắm, vì mình ở với bố mẹ, thoải mái hơn nhiều người. Nhưng đôi khi mình tự hỏi: "Nếu bố mẹ không còn, hoặc mình lập gia đình, rồi mình sẽ sống thế nào?". Giờ chưa cần nhà, nhưng sau này thì chưa biết.
Bạn bè mình có nhà, có xe, còn mình toàn đồ hiệu với chuyến đi chơi – vui thì vui thật, nhưng đôi lúc thấy mình chẳng có gì vững chắc. Mua túi hiệu xong, mình hạnh phúc được 2 tuần, rồi lại thấy... muốn mua tiếp, chứ không cảm giác có thành tựu lớn lắm".
Do vậy, Linh An đang dần hình thành thói quen tiết kiệm nhiều hơn: "Mình tiết kiệm 40% lương, khoảng 11-15 triệu/tháng, để dành cho những lúc bất trắc. Sống sang chảnh thì phải có giới hạn, nên mình không mua đồ hiệu liên tục, mà chọn cái nào thực sự đáng. Các bạn muốn sống kiểu này thì đừng tiêu hết, giữ ít nhất 6-12 tháng chi tiêu dự phòng, không thì dễ hụt hơi lắm ".
Sống hưởng thụ nhưng cũng không quên để có khoản tiết kiệm cho bản thân. (Ảnh minh hoạ)
Có thể thấy lối sống "hưởng thụ trước" không chỉ đơn giản là chọn niềm vui hiện tại thay vì mua nhà. Những bạn trẻ cũng phải đối mặt với cảm giác bị bỏ lại khi bạn bè ổn định cuộc sống.
Họ lo lắng về tương lai, khi tuổi trẻ qua đi và những bất ngờ như mất việc, giá thuê tăng, hay nhu cầu gia đình xuất hiện. Họ chịu áp lực từ định kiến xã hội, rằng không có nhà là "thiếu trách nhiệm" hay "chưa trưởng thành". Những bạn trẻ cũng có nỗi lo với sự bất ổn của việc thuê nhà, khi mọi thứ đều phụ thuộc vào người khác. Và đôi khi, họ thấy trống trải vì không có tài sản lớn nào để gọi là "của mình".
Vậy nên sống vui vẻ thì cứ sống, nhưng phải có kế hoạch tài chính rõ ràng, tiết kiệm ít nhất 20-40% thu nhập, và luôn chuẩn bị cho những ngày cần nguồn tài chính vững đột xuất.