Mới đây trên mạng xã hội Threads, một chủ tài khoản thu hút lượng tương tác cao với bài đăng có tiêu đề: “Bố đổ hết thức ăn vì 11:40 chưa có cơm ăn”.
Theo lời cô gái, bố đi làm về lúc 11h kém. Lúc này, cô bạn mới bắt đầu nấu cơm, vì bình thường khoảng 11h45 thì gia đình mới ăn trưa. Thế nhưng, mọi chuyện hôm nay lại diễn biến theo chiều hướng khó lường. Khoảng 11h40, chưa thấy có cơm ăn (đầy đủ thức ăn bao gồm cả cơm) người bố bắt đầu trách mắng, thậm chí có hành vi gây sốc.
“Bố ngồi vào bàn đợi đồ ăn, vừa đợi vừa ch**, còn 3 mẹ con mình dọn cơm, dọn dẹp. Khi em trai mình bê đĩa rau ra thì không sao, đến khi mình bê đĩa gà chiên mắm ra, bố chặn lại không cho để vào mâm rồi bảo ‘Tao không ăn cái này, bỏ ra ngoài".
Lúc cả nhà ngồi vào ăn được khoảng 2 phút, bố mình cứ cằn nhằn em mình và đ*** em mình 2 cái. Mẹ mình nói bố mấy câu kiểu dạy con không phải cứ đánh là dạy được, rồi để đĩa gà vào mâm.
Và bố cầm hết mấy đĩa thức ăn đổ hết ra bồn rửa bát”, cô bạn kể lại.
Cô bạn chia sẻ bức ảnh cơm và đồ an bị đổ vào bồn rửa bát. Nguồn: Changchinchao_
Đến đây, “giọt nước tràn ly”, ấm ức dồn nén đã lâu nên cô bạn đã khóc và có những lời tự nhận là chưa đúng. “Giây phút bố đổ thức ăn đi nước mắt mình nó lại tự chảy ra, mình vô thức gào lên là: Bố không bỏ tiền ra mua thức ăn, không bỏ công sức ra nấu mà sao bố muốn đổ là đổ vậy. Mình biết như vậy là l**, nhưng lúc đó cả ba mẹ con mình chưa ăn được nửa bát cơm, mấy đĩa thức ăn vẫn gần như là y nguyên, mình mới ăn được 1 miếng gà, mẹ mình mới ăn được mấy miếng rau, vậy mà bố nói đổ là đổ không do dự. Mình tiếc tiền cho mẹ, tiếc công sức mình nấu cả tiếng đồng hồ”.
Cô bạn cho hay đã khóc rất nhiều sau đó, uất ức vô cùng nhưng chẳng thể làm gì. Đây cũng là bữa ăn đầy đủ hơn hẳn mọi ngày vì cả cả thịt, trứng, giò… vậy mà người bố đổ đi hết chỉ vì cơn bực tức trong lòng.
Những dòng chia sẻ của cô bạn sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng viral vì câu chuyện “chạm” quá. Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn sinh ra trong một gia đình có đủ bố - mẹ, song ngay cả khi có một mái ấm đầy đủ thì vẫn chẳng thể trọn vẹn vì phụ huynh độc hại (toxic parents) - có những hành vi tiêu cực và gây tổn thương cho con cái họ.
Nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau, có netizen đồng trang lứa, có người U40, 50 đã vào bài đăng này, dành những lời hỏi han, động viên cô gái. Nhiều người cho hay đã và đang rơi vào tình cảnh tương tự cũng đưa ra những giải pháp hoặc sẵn sàng chia sẻ với cô bạn khi cần.
Những đứa trẻ tổn thương từ gia đình. Ảnh minh họa.
Nhiều người còn nhờ cô bạn nhắn gửi những lời yêu thương, an ủi tới mẹ và em trai. Nếu có thể, nhiều người cũng khuyên 3 mẹ con cô bạn này nên lắp camera đề phòng trường hợp không may hoặc báo Cảnh sát khi cần thiết, để bảo vệ chính mình và những người thân yêu.
Đáng chú ý, theo lời cô bạn này, câu chuyện không chỉ xảy ra 1-2 ngày mà đã từ rất lâu, trở thành nỗi ám ảnh tâm lý. Nhiều người từng rơi vào hoàn cảnh tương tự - khi gia đình không còn là bến đỗ an toàn nhất - đã có những chia sẻ “xé lòng”.
Trong đó, có một số cư dân mạng đã trút nỗi lòng về chuyện sống trong gia đình có người cha mang tính cách độc hại, gây ra những tổn thương tâm lý cho mình.
“Mình bất giác run lên khi đi học về mà thấy bố không vui. Mình biết trách bố là không đúng nhưng trong lòng lại đau đớn vô cùng. Mình thấy chạnh lòng khi ai đó nhắc đến gia đình và khoe hình ảnh bố mẹ hạnh phúc lên mạng xã hội. Mình thậm chí còn không muốn kết hôn, mình sợ gặp phải người như bố, sợ con mình phải khổ. Sau này, khi đã học đại học, Tết mình cũng chẳng muốn về nhà, lấy cớ làm thêm vì mỗi lần về đó, mình lại thấy buồn tủi vô cùng. Các bạn chưa từng trải qua cảnh cha nghiện rượu, đánh đập vợ con vô cớ thì không hiểu được hết đâu”.
"Bé giống chị của 4 năm trước, vẫn nhớ cảnh bát đũa vỡ tan tành trên nền đất còn chị thì bị vả rát 1 bên mặt. Nhưng bây giờ chị đã tốt nghiệp, có thể tự kiếm tiền, tự trả tiền học, tiền ăn và bù đắp cho mẹ. Và quan trọng hơn là chị đã thuyết phục thành công và hỗ trợ mẹ chị khi ly hôn. 4 năm trước chị chưa từng nghĩ tới điều này đâu, nhưng bây giờ nó đã xảy ra rồi. Nên bé cứ cố gắng học tập, làm việc rồi hỗ trợ mẹ nhé. Mình tử tế thì cuộc đời rồi sẽ tử tế với mình thôi, chỉ là chưa đến lúc thôi".
Trong bài viết có tiêu đề "Những đứa con chịu đựng nỗi đau từ chính gia đình" có viết: Dưới chủ nghĩa hiếu thảo "trên đời không có cha mẹ nào hoàn hảo", con cái sẽ không trực tiếp bày tỏ sự tức giận, thất vọng và buồn bã với cha mẹ khi bị tổn thương. Thay vào đó, các con thường có xu hướng giấu kín, khép mình. Những vết thương không lành mới là những vết thương đau đớn nhất.
Trong cuốn "Cha mẹ độc hại" tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Susan Forward gọi những bậc cha mẹ liên tục làm tổn thương con cái mình, dù cố ý hay vô tình, là cha mẹ "độc hại". Cha mẹ lành mạnh sẽ dành cho con tình yêu thương, sự tôn trọng và tính độc lập, trong khi cha mẹ độc hại sẽ khiến con sợ hãi, trách nhiệm và tội lỗi.
Ảnh minh họa.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ độc hại đều ít nhiều có xu hướng tiêu cực về bản thân. Họ luôn quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và phủ nhận. Họ dễ dàng cảm thấy bản thân không được yêu thương và không xứng đáng được yêu thương.
Ngay cả khi có ai đó khen ngợi hoặc thích họ, họ vẫn sẽ hoài nghi về điều đó, vì họ đã nghe quá nhiều bình luận tiêu cực về bản thân mình từ khi còn nhỏ. Họ không dám dễ dàng tin tưởng người khác, thậm chí có thể bóp méo đánh giá của người khác, nghĩ rằng người kia đang chế giễu và hạ thấp mình.
Nhiều người bị ám ảnh tâm lý đến nỗi sợ chính gia đình của mình nên không muốn kết hôn, có con vì sợ sẽ gặp một người giống bố hoặc mẹ mình. “Họ thậm chí còn ngược đãi chính mình, trở nên tiêu cực và nóng nảy nếu không được hiểu đúng và tự thay đổi bản thân”, một netizen chia sẻ. Tỉ lệ những đứa trẻ có cha mẹ độc hại bị trầm cảm, rối loạn lo âu cũng cao hơn rất nhiều,...
Sẽ mất rất nhiều thời gian để những vết thương mà gia đình tạo nên lành lại, song không bao giờ là quá muộn để nhận ra và thay đổi. Kể cả khi bạn đã có một tuổi thơ không hạnh phúc, nhưng bạn vẫn có khả năng phục hồi và tạo ra hạnh phúc cho cuộc đời của mình.