Trước cơn sốt TikTok Trung Quốc, bóng đá Việt Nam từng khiếp sợ "tik-tok Thái Lan": Năm 2015 là ám ảnh nhất

NHÂN VĂN, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 22/04/2020

Những cuộc đối đầu với các đội tuyển quốc gia Thái Lan giai đoạn 2014 – 2016 thật sự là nỗi ám ảnh với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là lối chơi dưới thời HLV Kiatisak Senamuang.

Đội tuyển Việt Nam thua trắng 0-3 trước Thái Lan ngay trên sân nhà ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Nguồn: VPF.

Khái niệm "tik-tok" được chính huyền thoại bóng đá Thái Lan chia sẻ sau trận chung kết lượt đi AFF Cup 2014 với Malaysia. Khi được nhận định đang học theo lối chơi "tiki taka" của CLB lừng danh Barcelona, HLV Kiatisak lập tức giải thích: "Chúng tôi chơi tik-tok, không phải tiki taka".

Ông nói thêm: "Tik-tok sử dụng nhiều đường chuyền một chạm hơn, mang bản sắc của chúng tôi hơn. Nó mô phỏng tiếng kim giây của đồng hồ kêu và đó là cách đội tuyển Thái Lan vận hành".

Với tik-tok, đội tuyển Thái Lan thống trị bóng đá Đông Nam Á giai đoạn trên. Họ giành 3 HCV SEA Games liên tiếp (2013, 2015, 2017), hai chức vô địch AFF Cup (2014, 2016). Không chỉ Việt Nam, cả Đông Nam Á khiếp sợ Thái Lan.

Trước cơn sốt TikTok Trung Quốc, bóng đá Việt Nam từng khiếp sợ tik-tok Thái Lan: Năm 2015 là ám ảnh nhất - Ảnh 2.

HLV Kiatisak là "kiến trúc sư trưởng" cho lối chơi tik-tok thống trị Đông Nam Á giai đoạn 2014 - 2016. Ảnh: FAT.

Để xây dựng được lối chơi ấy, HLV Kiatisak Senamuang may mắn có trong tay một thế hệ vàng với các cầu thủ thuộc lứa 1990 – 1993. Nhiều người đến bây giờ vẫn còn thi đấu và quen mặt với khán giả Việt Nam như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Tristan Do hay Tanaboon Kerasat.

Ám ảnh nhất là năm 2015 khi bóng đá nam Việt Nam thua toàn diện người Thái ở mọi cấp độ. 4 lần đối đầu, Việt Nam thua cả 4, nhận tổng cộng 13 bàn thua và chỉ ghi được đúng 1 bàn thắng. Khoảng thời gian ấy, cảm giác rằng bóng đá Việt Nam có trình độ cách biệt cả tầng mây với đối thủ truyền kiếp.

Đầu tiên là trận thua 0-1 ở lượt đi vòng loại thứ hai World Cup 2018 khu vực châu Á trên SVĐ Rajamangala. Trận đấu ấy, Minh Châu nhận thẻ đỏ, đội tuyển Việt Nam nhận nhiều chỉ trích với lối chơi chặt chém, trong khi ở bên kia chiến tuyến, đối phương đan lát đẹp mắt với tâm thế cửa trên.

Đến giữa năm, U23 Việt Nam thua 1-3 ở vòng bảng SEA Games 2015. Kịch bản cũng không khác biệt là bao để rồi nhìn đối phương tiến một mạch giành HCV.

Hai trận đấu còn lại đến vào cuối năm cũng là những thất bại thảm hoạ nhất. Lứa U19 Việt Nam với thế hệ 1997 của Quang Hải làm nòng cốt thua trắng 0-6 ở trận chung kết U19 Đông Nam Á. Một tháng sau, đội tuyển Việt Nam thua đậm 0-3 ở lượt về vòng loại World Cup 2018 ngay trên SVĐ Mỹ Đình.

Những cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan luôn chứa đựng sự quyết liệt, ăn thua trong từng đường bóng. Ảnh: Tiến Tuấn - Tùng Lê.

Bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 của Theerathon Bunmathan đến sau hàng loạt đường chuyền 1 chạm đầy ăn ý. Tình huống ấy như mô tả cho chênh lệch đẳng cấp giữa hai nền bóng đá và khép lại năm 2015 thua toàn diện trước đối thủ.

Năm 2017, HLV Kiatisak rời đội tuyển Thái Lan sau khi không giành được kết quả tốt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á. Một HLV người Serbia lên thay, đập đi xây lại, tik-tok vì thế cũng thất truyền. Thế nhưng, giai đoạn 2014 – 2016 vẫn được ghi nhận là thời điểm đội tuyển Thái Lan bất khả chiến bại ở khu vực.

Thời thế đổi thay, bóng đá Việt Nam cũng đã đánh bại người Thái tại King’s Cup 2019. Tâm lý thi đấu được cải thiện, nỗi sợ người Thái bị thổi bay, đấy là giá trị lớn nhất mà HLV Park Hang-seo cùng thế hệ này làm được. Vậy nhưng, để bóng đá Việt Nam tạo được một giai đoạn bất khả chiến bại như Thái Lan từng làm trước đây xem chừng là điều quá sức. Bởi lẽ, ngay lúc này đây, với thế hệ đẹp nhất, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thể lấn lướt người hàng xóm.

HLV Park Hang-seo nổi giận với phóng viên Thái Lan.