Trẻ em có EQ cao thường có 4 câu cửa miệng này, nếu con bạn hay nói như vậy thì xin chúc mừng

Nguyên An, Theo Đời sống & Pháp luật 17:39 13/07/2025
Chia sẻ

Muốn biết một đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao hay không, hãy chú ý đến những lời nói tưởng chừng đơn giản trong đời sống hàng ngày của chúng.

Không ít bậc cha mẹ tự hỏi: "Con mình nói chuyện có khiến người khác cảm thấy dễ chịu không?" Câu trả lời đôi khi nằm ở những lời nói rất đời thường của trẻ. Trẻ em có EQ (trí tuệ cảm xúc) cao thường có vài câu “cửa miệng” tưởng như đơn giản, nhưng lại chứa đựng sự tinh tế, lòng thấu hiểu và nền tảng giáo dục tốt từ gia đình.

Nếu con bạn thường xuyên nói những câu như dưới đây, đó là tín hiệu đáng mừng, bởi những đứa trẻ như vậy thường dễ thành công và được yêu mến trong tương lai.

1. “Không sao đâu, cứ đợi thêm một chút nữa”

Một lần ở công viên, có cậu bé đứng xếp hàng mua nước, gọi điện hỏi mẹ muốn uống loại nước nào. Đứa bé đứng sau thì sốt ruột, cứ đẩy tới đẩy lui. Giữa lúc ấy, một bé gái nhỏ nhẹ nói: “Không sao đâu, cứ để bạn ấy hỏi mẹ xong đã mà.”

Ngày nay, nhiều trẻ em thường sốt ruột, dễ cáu gắt chỉ vì phải chờ đợi. Nhưng cô bé ấy lại bình tĩnh, không thúc ép, sẵn sàng nhường người khác trước. Đây là biểu hiện của sự kiên nhẫn và biết cảm thông, một đức tính không dễ có ở trẻ nhỏ.

Trẻ biết chờ đợi người khác chứng tỏ có tính cách nhẫn nại, bao dung, không ích kỷ và hiểu rằng việc của người khác cũng quan trọng như của mình. Những đứa trẻ như vậy sau này đi đến đâu cũng dễ tạo thiện cảm, có khả năng xây dựng các mối quan hệ bền vững.

Trẻ em có EQ cao thường có 4 câu cửa miệng này, nếu con bạn hay nói như vậy thì xin chúc mừng- Ảnh 1.

2. “Bạn có sao không? Có cần mình giúp không?”

Trong khu dân cư, một nhóm trẻ đang chơi đuổi bắt thì có em nhỏ bị ngã. Hầu hết những đứa trẻ khác đều mải chơi nên không để ý, chỉ có cô bé tên Kha dừng lại hỏi: “Bạn có sao không? Có cần mình giúp không?”

Nhiều người nghĩ rằng EQ cao là “nói chuyện khéo”, nhưng thực ra, trí tuệ cảm xúc thực sự là khả năng nhận biết người khác đang gặp khó khăn và sẵn sàng hành động để giúp đỡ. Những đứa trẻ như bé Kha không chỉ biết quan tâm mà còn chủ động thể hiện lòng tốt bằng hành động cụ thể. Đây là kiểu người mà ai cũng muốn làm bạn.

Các phụ huynh cũng cần chú ý, trẻ không tự nhiên biết nghĩ cho người khác. Hãy dạy con cách đặt mình vào vị trí của người khác bằng những câu hỏi như: “Nếu con là người bị ngã, con muốn bạn bè làm gì cho mình?”

3. “Mình có thể nêu ra ý kiến của bản thân không?”

Cậu bé Tiểu Vũ khi chơi cùng bạn bè luôn đợi người khác nói xong mới nhẹ nhàng góp ý: “Tớ nghĩ cậu nói có lý, nhưng tớ có ý khác một chút.” Những đứa trẻ như vậy vừa biết lắng nghe, vừa không ngại bày tỏ chính kiến mà vẫn giữ được không khí hòa nhã. Điều này giúp trẻ vừa có tiếng nói, vừa được bạn bè tôn trọng.

Trái lại, nhiều trẻ có thể luôn nghe theo người khác, hoặc nhất quyết phải tranh cãi “đúng sai rõ ràng” trong mọi tình huống. Điều này về lâu dài sẽ khiến trẻ trở nên ngại bày tỏ ý kiến, hoặc tính khí nóng nảy, thích hơn thua. Cách trình bày quan điểm riêng nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng người khác như Tiểu Vũ điều đó phản ánh một môi trường gia đình biết lắng nghe con trẻ.

Về phía các bậc phụ huynh, thay vì ngắt lời hay phán xét con, hãy ngồi xuống, lắng nghe con thật sự. Khi trẻ được tôn trọng, chúng sẽ học được cách giao tiếp vừa kiên định vừa mềm mỏng với người khác.

Trẻ em có EQ cao thường có 4 câu cửa miệng này, nếu con bạn hay nói như vậy thì xin chúc mừng- Ảnh 2.

4. “Mình chưa biết, bạn chỉ giúp mình được không?”

Cậu bé Tiểu Phong rất muốn học trượt ván nên đã mạnh dạn đến hỏi cô bạn đang chơi rất giỏi: “Bạn trượt hay thật, mình chưa biết làm, bạn chỉ giúp mình được không?”

Nhiều trẻ khi gặp điều chưa biết thường chọn cách lảng tránh hoặc “giấu dốt”, vì sợ xấu hổ hay bị đánh giá. Nhưng cậu bé này lại tự tin thừa nhận mình chưa biết, đồng thời biến lời đề nghị học hỏi thành cơ hội kết bạn.

Vì vậy, các bậc cha mình cũng cần chú ý, đừng chỉ khen con “thông minh”, hãy khen con “chịu khó học hỏi” hoặc “can đảm khi hỏi người khác”. Khi trẻ hiểu rằng việc không biết một điều gì đó không có gì đáng xấu hổ, chúng sẽ dũng cảm hơn trong việc học và kết nối với người khác.

EQ cao thực chất không phải bẩm sinh, mà được hình thành trong quá trình nuôi dưỡng và dạy dỗ của gia đình. Những câu nói tưởng chừng rất đơn giản lại là tấm gương phản chiếu cách cha mẹ giáo dục con cái. Một đứa trẻ có thể nói những lời đầy cảm thông, thấu hiểu, tôn trọng và khiêm tốn, tất cả là nhờ vào việc được lắng nghe, hướng dẫn và khích lệ từ nhỏ.

Theo Toutiao

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày