Giáo viên 25 năm phán: Không phải tâm linh nhưng nhìn vào tóc của một bé gái, tôi biết tương lai em sướng hay khổ

Đông, Theo Thanh niên Việt 09:42 13/07/2025
Chia sẻ

Bạn nghĩ sao về quan điểm cô giáo này?

* Dưới đây là chia sẻ của một giáo viên trên trang Sohu (Trung Quốc).

Tôi đã dạy tiểu học hơn 25 năm ở một trường công lập tại Quảng Châu. Trong suốt quãng thời gian đó, tôi không đếm nổi mình đã gặp bao nhiêu đứa trẻ. Nhưng có một điều lạ mà tôi hiếm khi sai là chỉ cần nhìn vào mái tóc của một bé gái, tôi có thể đoán được phần nào tương lai của em ấy không phải tương lai nghề nghiệp hay học lực, mà là tương lai về cách sống. Em ấy sẽ là người có nội lực, được yêu thương đúng cách, hay là một đứa trẻ lớn lên trong áp lực, chịu đựng và phục tùng. Nghe có vẻ cảm tính, nhưng khi nhìn đủ lâu, đủ nhiều, bạn sẽ nhận ra mái tóc là thứ phản ánh thầm lặng nhất về cách cha mẹ nuôi dạy con gái mình.

Tôi không đánh giá theo độ dài hay kiểu tóc thời thượng. Thứ tôi quan sát là mức độ " tôn trọng" mà cha mẹ dành cho con gái thông qua mái tóc. Tôi nhìn xem tóc có sạch không, có được buộc nhẹ nhàng không, có mồ hôi bết dính mà vẫn bị thắt chặt bằng dây thun cũ kỹ? Có những bé gái mỗi sáng đến lớp là một kiểu tóc mới, cầu kỳ, bóng mượt như quảng cáo, nhưng ánh mắt mệt mỏi, da đầu đầy vết hằn đỏ. Có bé thì tóc luôn lòa xòa, không ai buộc, không ai chải. Cả hai kiểu đều cho tôi thấy điều giống nhau đứa trẻ không có quyền với chính mái tóc của mình.

Giáo viên 25 năm phán: Không phải tâm linh nhưng nhìn vào tóc của một bé gái, tôi biết tương lai em sướng hay khổ- Ảnh 1.

Mái tóc chính là chiếc gương phản ảnh cách dạy con của bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ có một học sinh lớp 3, xinh xắn, ngoan ngoãn, học lực khá, nhưng luôn có mái tóc dài rối, ướt mồ hôi, bị túm cao lên bằng dây thun siết mạnh. Một lần con nói với tôi: “Cô ơi, đầu con đau quá, nhưng mẹ bảo buộc thế này mới gọn, mới đẹp”. Ngay giây phút ấy, tôi hiểu con đang lớn lên trong một kiểu tình yêu nhiều kiểm soát. Mẹ con không ác, nhưng mẹ đặt hình ảnh của mình lên đầu con, đúng theo nghĩa đen. Và đau lòng thay, con bé tưởng rằng mình phải chấp nhận điều đó để được khen là “ngoan”.

Chúng ta – những người lớn thường dễ bỏ qua những chi tiết nhỏ. Nhưng với trẻ em, những điều nhỏ chính là toàn bộ thế giới . Một mái tóc không chỉ là ngoại hình, mà là cơ thể, là cảm giác thoải mái, là sự thể hiện bản thân, là quyền được lựa chọn. Nếu từ bé, con đã không được chọn kiểu tóc mình thích, không được cắt ngắn vì nóng, không được gỡ búi vì đau… thì khi lớn lên, con rất dễ quen với việc người khác quyết định thay mình.

Tôi từng hỏi các học sinh nữ: “Ai trong lớp được tự quyết định cắt tóc?”, rất ít em giơ tay. Nhiều bé gái trả lời: “Mẹ bảo tóc dài mới dịu dàng”, “Bố bảo tóc tém nhìn hư hỏng”, “Bà bảo con gái phải để tóc đen”... Và tôi biết, những câu nói đó sẽ ở lại trong đầu các em rất lâu, không phải như lời khuyên, mà như khuôn mẫu.

Tôi không phủ nhận tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng yêu không đồng nghĩa với đúng. Tình yêu thực sự bắt đầu từ sự tôn trọng. Nếu tôi có thể khuyên một điều cho các bậc phụ huynh đang nuôi con gái, thì đó là hãy bắt đầu bằng việc hỏi con “Con có thích kiểu tóc này không?”, “Con muốn cắt tóc không?”, “Con có thấy đau đầu không?”. Những câu hỏi đó không khiến con hư đi. Ngược lại, nó khiến con học được rằng mình có tiếng nói, có quyền cảm nhận, và có quyền được lựa chọn dù chỉ là một búi tóc.

Giáo viên 25 năm phán: Không phải tâm linh nhưng nhìn vào tóc của một bé gái, tôi biết tương lai em sướng hay khổ- Ảnh 2.

Cha mẹ luôn phải tôn trọng con cái. (Ảnh minh họa)

Có người từng hỏi tôi: “Cô giáo, sao lại đánh giá tương lai của một bé gái chỉ qua mái tóc?”. Tôi mỉm cười. Bởi đó không phải mái tóc, mà là chiếc gương. Nó phản chiếu cách cha mẹ nhìn con gái mình là một cá thể độc lập, hay thứ để họ định hình theo ý muốn. Một mái tóc rối, không ai buộc có thể là do gia đình quá bận rộn với cơm áo gạo tiền, hoặc quá thờ ơ. Một mái tóc đẹp đến mức gượng gạo có thể đến từ một người mẹ quá ám ảnh hình ảnh con gái “phải dịu dàng, phải nữ tính. Dù lý do nào, cái thiếu vẫn là sự lắng nghe.

Tôi đã gặp những bé gái cắt tóc ngắn gọn, tự chọn mái, tự buộc tóc mỗi sáng. Các em bước vào lớp không lộng lẫy, nhưng đầy tự tin. Các em cãi lý với tôi, tranh luận với bạn, và dám nói “Con không thích thế này”. Và tôi luôn tin các em ấy sau này có thể làm chủ cuộc đời mình, vì các em đã từng làm chủ một phần nhỏ của chính mình bắt đầu từ mái tóc.

Nếu bạn là cha mẹ, đừng đợi đến khi con cái dậy thì mới nói đến chuyện tôn trọng cơ thể, quyền cá nhân hay tự do lựa chọn. Những điều đó bắt đầu rất sớm từ một lần buộc tóc nhẹ tay, từ việc hỏi ý kiến trước khi cắt tóc, từ cách bạn nhìn con như một cá thể có tiếng nói, thay vì một hình mẫu phải uốn nắn.

Sau 25 năm đứng lớp, tôi không dám chắc mình hiểu hết mọi đứa trẻ. Nhưng có một điều tôi tin chắc rằng một bé gái được yêu thương đúng cách sẽ có ánh mắt tự tin, dáng đi vững chãi và mái tóc không cần hoàn hảo, chỉ cần thuộc về chính em ấy.

Và có lẽ, nhìn mái tóc một đứa trẻ cũng là cách để nhìn lại chính chúng ta - những người đang làm cha mẹ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày